top of page

Sự "thiếu quan tâm" của cha mẹ ảnh hưởng như thế nào đến con trẻ

Phong cách nuôi con không can thiệp (uninvolved parenting), đôi khi còn được gọi là cách nuôi dạy thiếu quan tâm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển và hành vi của trẻ. Hãy cùng tìm hiểu lý do tại sao trẻ em cần tình yêu thương và sự quan tâm của cha mẹ qua bài viết dưới đây.


Sự "thiếu quan tâm" của cha mẹ ảnh hưởng như thế nào đến con trẻ Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global

Nhiều cha mẹ có nỗi lo rằng họ chưa đủ quan tâm đến con của mình. Đây là một nỗi lo chính đáng vì trẻ em rất cần được cảm thấy quan tâm và ủng hộ. Tuy nhiên, cũng có những cha mẹ lại rơi vào nhóm nuôi con theo phong cách không can thiệp.


Phong cách nuôi con không can thiệp là gì?

Phong cách nuôi con không can thiệp, đôi khi còn được gọi là cách nuôi dạy thiếu quan tâm, có đặc điểm là sự thiếu đáp ứng của cha mẹ đối với các nhu cầu của con cái. Những cha mẹ nuôi con theo phương pháp này thường ít giao tiếp với con và cũng hiếm khi hỗ trợ con về mặt cảm xúc.


Cha mẹ không can thiệp thường ít quan tâm đến việc học và các hoạt động ngoại khóa của con mình. Họ cũng có thể thờ ơ hoặc không chú tâm đến nhu cầu cơ bản về thức ăn, quần áo và việc đưa đón của con. 


Một chú ý ở đây là không phải cha mẹ bận rộn nào cũng rơi vào nhóm cha mẹ không can thiệp. Cha mẹ không can thiệp sẽ không tạo ra không gian hoặc sự hỗ trợ nào cho nhu cầu của con mình, trong khi cha mẹ bận rộn sẽ đảm bảo nhu cầu của con mình được đáp ứng, ngay cả khi họ không phải là người đáp ứng nhu cầu đó. 


Những hệ quả tiêu cực của phong cách nuôi con không can thiệp

Phong cách nuôi con không can thiệp có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em trên nhiều khía cạnh, và sự ảnh hưởng này cũng phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ.


Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Một trong những yếu tố cơ bản và quan trọng nhất trong sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là sự gắn bó của trẻ đối với người chăm sóc. Thiếu đi sự quan tâm và chú ý của người chăm sóc trực tiếp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến yếu tố này. Trẻ em ở độ tuổi này học cách tin tưởng và phụ thuộc vào người chăm sóc mình qua tương tác hai chiều và giao tiếp, cũng như việc lặp đi lặp lại những trải nghiệm tích cực như được cho ăn, được ôm ấp và xoa dịu. Sự tin tưởng này giúp các em bé khám phá thế giới xung quanh và phát triển quan hệ với những người khác. Vậy nên nếu một em bé không nhận được sự quan tâm đúng mức từ người chăm sóc trực tiếp thì rất có thể em bé này sẽ mắc phải chứng gắn bó không an toàn (insecure attachment). Và điều này có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng khi em bé này lớn lên, ví dụ như vấn đề về sự tự tin và các kỹ năng giao tiếp xã hội.


Đối với trẻ độ tuổi tiểu học và cấp hai

Có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự thiếu quan tâm của cha mẹ sẽ để lại những hậu quả tiêu cực đối với trẻ em. Những em đến từ các gia đình có sự thờ ơ hoặc lạm dụng thường gặp phải các vấn dề ở trường và trong các mối quan hệ. Những em này cũng dễ gặp rắc rối với pháp luật.


Một nghiên cứu khác về tác động của sự thiếu quan tâm thời thơ ấu cho thấy trẻ em không được quan tâm đầy đủ có nhiều khả năng có chức năng điều hành và khả năng tự điều chỉnh kém. Nghiên cứu này cũng cho thấy việc bị bỏ bê sớm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển não bộ của trẻ.


Đối với trẻ vị thành niên và thanh thiếu niên

Bạn có thể nghĩ rằng thanh thiếu niên muốn được cha mẹ để yên, nhưng trên thực tế, các em vẫn cần được quan tâm. Khi trưởng thành và trở nên độc lập, chúng có thể khao khát tự do hơn, nhưng chúng vẫn cần sự hướng dẫn và hỗ trợ từ cha mẹ.


Việc thiếu sự quan tâm có thể khiến thanh thiếu niên cảm thấy bị bỏ rơi, điều này có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo lắng và lòng tự trọng thấp. Chúng có nhiều khả năng sẽ tham gia vào các hành vi nguy hiểm hoặc lạm dụng các chất kích thích.


Những dấu hiệu của sự thiếu quan tâm

Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của việc một đứa trẻ không nhận đủ sự quan tâm chính là việc chúng không ngừng tìm kiếm sự chú ý của người khác, đặc biệt là từ người lớn. Chúng có thể gây mất trật tự trong lớp học, thường xuyên ngắt lời người khác hoặc nói chuyện không đúng lúc.


Một dấu hiệu khác là trẻ có thể quá hung hăng hoặc luôn tìm cách phá hoại. Những trẻ em này có thể gặp vấn đề về kiểm soát cảm xúc, dễ nổi giận, gặp khó khăn trong các tương tác xã hội và biểu hiện dấu hiệu cô đơn hoặc bị cô lập.


Thiếu sự chú ý cũng có thể dẫn đến các vấn đề ở trường. Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc chú ý trong lớp học hoặc có thể gặp khó khăn với các môn học hoặc trở nên tự ti.


Cha mẹ có thể thể hiện sự quan tâm đến con cái bằng những cách nào?

Là cha mẹ, có nhiều cách khác nhau để bạn thể hiện sự quan tâm đến con cái, ngay cả khi bạn bận rộn hoặc dành nhiều thời gian làm việc.


1. Thể hiện sự quan tâm thực sự đến sở thích của con

Khi con bạn kể cho bạn nghe về trò chơi Roblox mới nhất hoặc tập phim Peppa Pig gần đây, hãy thể hiện sự quan tâm thực sự đến những gì con nói. Đặt câu hỏi cho con, lắng nghe một cách chu đáo và giao tiếp bằng mắt để cho con thấy rằng bạn đang lắng nghe. Ngay cả khi bạn không thấy chủ đề đó thú vị, hãy tôn trọng vì đó là điều mà người bạn yêu thương quan tâm. Sự quan tâm này sẽ có ý nghĩa rất nhiều đối với con.


2. Lên lịch thời gian cho gia đình

Hãy lên lịch để cả gia đình có thể dành thời gian cho nhau. Nếu gia đình bạn đông người hoặc có nhiều con, hãy dành thời gian riêng tư (dù ít và không quá thường xuyên) với từng đứa trẻ của bạn. Sự quan tâm cá nhân này có thể tạo ra những ký ức quan trọng đối với các con.


3. Xây dựng các thói quen tích cực

Cho dù là ôm ấp nhau và đọc truyện trước khi đi ngủ, hay đi bộ đến công viên vào buổi chiều, hay cùng nhau làm bánh kếp vào sáng Chủ Nhật, hãy tạo ra những thói quen độc đáo với con bạn.


4. Chủ động nghỉ ngơi sau giờ làm việc

Nếu đã hết giờ làm nhưng bạn vẫn kiểm tra email và căng thẳng vì công việc, thì thực tế bạn chỉ rời xa công việc về mặt thể chất, chứ chưa thực sự nghỉ ngơi về mặt tinh thần. Khi rời xa bàn làm việc, hãy thật sự ngắt kết nối bằng cả thể chất và tinh thần để dành thời gian và năng lượng bên các con của mình.


5. Tìm cách kết nối khi ở xa con

Ngay cả khi bạn không thể ở bên con, bạn vẫn có thể tìm cách kết nối với con và thể hiện sự quan tâm của mình với con. Cho dù bạn giữ liên lạc bằng cách gửi tin nhắn và email, trò chuyện video hay thậm chí là gửi thiệp, bạn vẫn có thể dành sự quan tâm cho con khi bạn ở xa con.


Lời kết

Điều quan trọng cần nhớ là tất cả trẻ em đều cần sự quan tâm, nhưng không có cách nào đúng đắn duy nhất để dành sự quan tâm cho con. Một số trẻ có thể cần nhiều sự quan tâm hơn những trẻ khác và những trẻ khác có thể cần những loại sự quan tâm khác nhau.


Hãy lắng nghe những tín hiệu của con bạn, nói chuyện với con và làm theo sự dẫn dắt của con khi nói đến việc dành sự quan tâm cho con.


Bác sĩ, TS. Chelsea Hetherington



* Nguồn: Lược dịch từ familyeducation.com

* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG

Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global

 
 
 

Comments


bottom of page