Nói với con về những thói quen tốt và xấu - Nghechame
- marketing hn
- 3 thg 3
- 4 phút đọc
Đã cập nhật: 24 thg 3

Đầu năm thường là lúc chúng ta bắt đầu bàn tán về những thói quen: làm thế nào để phá bỏ thói quen cũ, và làm sao để xây dựng được những thói quen mới.
Theo Charles Duhigg, tác giả cuốn Sức Mạnh Của Thói Quen (The Power of Habit) và cuốn sách đang chuẩn bị được xuất bản Thông minh hơn, Nhanh Hơn, Tốt Hơn (Smarter Faster Better), nghiên cứu chỉ ra rằng những thói quen điều khiển cuộc sống của chúng nhiều hơn chúng ta tưởng: hơn 40% của những việc chúng ta thường làm hàng ngày đều bắt nguồn từ thói quen.
Với Duhigg, đây là một tin tốt. Việc chúng ta có thể giúp con trẻ hiểu được về thói quen sẽ “có tác động lớn tới việc giúp các con hiểu và nắm quyền kiểm soát cuộc đời của chính chúng.”
Duhigg nói, ngay cả những đứa trẻ ở độ tuổi tiểu học cũng có thể hiểu được ba thành phần cơ bản của bất kỳ thói quen nào. Bắt đầu là một tín hiệu kích hoạt, tiếp đến là chính thói quen, và kết thúc là phần thưởng mà thói quen này mang lại. Vì vậy, cơ hội tốt nhất để bắt đầu thảo luận về thói quen là khi cha mẹ để ý thấy trẻ tự động làm điều gì đó. Cha mẹ có thể cảnh báo trẻ về các tín hiệu kích hoạt thói quen bằng cách hỏi: “Con nghĩ điều gì đã thôi thúc con làm điều đó?” và giúp trẻ nghĩ về phần thưởng mà thói quen mang lại với những câu hỏi như: “Con đã nhận được gì khi hành động như vậy?” Theo Duhigg, việc hiểu được cơ chế phần thưởng của thói quen cực kỳ quan trọng, vì khi trẻ và cha mẹ nhận ra những gì một thói quen xấu mang lại, họ có thể bắt đầu nghĩ về những cách lành mạnh hơn mà vẫn nhận được phần thưởng tương tự.
Trẻ ở độ tuổi trung học cơ sở có thể hiểu thêm một chút về khoa học đằng sau thói quen và con đường chúng hình thành trong não chúng ta. Duhigg nói, chúng ta cần hiểu rằng một khi thói quen đã hình thành thì rất khó để loại bỏ. Vì vậy, tìm cách thay đổi (thay vì loại bỏ) một thói quen sẽ hữu ích hơn cho mọi người. Tin tốt là dù bạn ở độ tuổi nào thì mọi thói quen đều có thể thay đổi được. Duhigg cho rằng bí quyết nằm ở chỗ chúng ta nhận diện được thói quen và “chèn vào một hành vi mới có phản ứng với tín hiệu cũ, đồng thời mang lại phần thưởng khác”.
Học sinh cấp ba đã có thể bắt đầu nhận ra cuộc sống của chúng bị ảnh hưởng sâu sắc như thế nào bởi thói quen. Ví dụ, Duhigg chỉ ra rằng việc căng thẳng trước một bài kiểm tra hoặc một cuộc thi đấu thực sự có thể trở thành một thói quen tinh thần, khiến trẻ cảm thấy khó chịu và lo lắng mặc dù trẻ đã chuẩn bị kỹ lưỡng - hoặc lo lắng thay vì thực sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Ở đây, chìa khóa để giải quyết vấn đề vẫn nằm ở việc giúp trẻ tập trung vào phần thưởng. Ba mẹ cần hướng dẫn trẻ nhìn nhận xem những suy nghĩ không lành mạnh sẽ mang lại điều gì cho chúng. Nhiều khi trẻ có thể cảm thấy rằng sự căng thẳng là bằng chứng của việc chúng đã chuẩn bị sẵn sàng cho bài thi, và một khi trẻ nhận ra điều đó, chúng có thể buông bỏ sự căng thẳng (và tìm kiếm cách lành mạnh hơn để kiểm chứng sự sẵn sàng của mình), hoặc dồn năng lượng dư thừa này vào những việc thật sự giúp chúng ôn tập tốt hơn.
Duhigg cho biết, đối với trẻ em ở mọi lứa tuổi và ngay cả đối với các bậc cha mẹ, việc cho phép bản thân tận hưởng phần thưởng là chìa khóa để hình thành những thói quen tốt – và đạt được những mục tiêu xa hơn. Ông cho rằng: “Chúng ta không có xu hướng động viên bản thân khi có những tiến bộ nhỏ hàng ngày, chẳng hạn như “đi thêm nửa dặm nữa”, trong khi bộ não của chúng ta lại được lập trình để hình thành thói quen dựa trên việc nhận được phần thưởng. Nếu không tự thưởng cho mình vì những chiến thắng nhỏ, chúng ta đang thực sự phá hoại khả năng hình thành thói quen tốt của não bộ. Vì vậy, nếu chúng ta muốn hình thành những thói quen tốt và đạt được những mục tiêu lớn, chúng ta cần học cách tận hưởng những phần thưởng nhỏ trên đường đi.
How to Talk to Your Kids About Their Habits: Good or Bad
* Nguồn: TIME
* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG
Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global
Comments