Làm thế nào để cải thiện sự tập trung của con?
- marketing hn
- 17 thg 6, 2024
- 7 phút đọc
Theo các chuyên gia, trung bình trẻ từ 4 tới 5 tuổi có thể tập trung vào một việc trong một khoảng thời gian bằng 2-5 phút nhân với độ tuổi của chúng (tức là 10 tới 25 phút đối với trẻ 5 tuổi). Tuy nhiên, nguyên tắc này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Theo Neal Rojas, bác sĩ nhi khoa chuyên ngành phát triển hành vi tại đại học California, San Francisco, khả năng tập trung (attention span) được quyết định nhiều bởi yếu tố. “Liệu chúng ta đang đánh giá sự tập trung của con vào đầu buổi sáng, giữa ngày, hay trước khi con ngủ vào ban đêm?” Theo ông, sẽ có sự khác biệt giữa khả năng tập trung của con vào các thời điểm khác nhau trong ngày.
Nếu cha mẹ đang tìm cách giúp con tăng cường khả năng tập trung, cha mẹ hãy tham khảo các gợi ý sau đây cùng Nghề Cha Mẹ nhé!

01. Cho đi để nhận lại
Để có được sự chú ý của con trẻ, người lớn cũng cần học cách cho đi sự chú ý. Tiến sĩ Rojas cho rằng, không chỉ trẻ con, mà người lớn chúng ta cũng rất dễ dàng rơi vào trạng thái mất tập trung. Nếu ngay cả cha mẹ cũng dễ bị phân tán tư tưởng thì thật khó để mong con mình giữ được sự tập trung. Vì vậy, cách tốt nhất để thu hút sự chú ý của con là cha mẹ hãy ở cùng không gian với con khi yêu cầu con thực hiện một điều gì đó. Ví dụ, cha mẹ không nhờ con thực việc các công việc nhà bằng cách hét vọng từ phòng bếp ra phòng khách chẳng hạn.
Đồng thời, việc đưa ra những lời yêu cầu rõ ràng cũng rất hữu ích. Cha mẹ có thể đứng trước mặt con, giao tiếp bằng mắt và nói rằng:”Cha mẹ cần con thực hiện điều này ngay bây giờ.” Nếu như con phớt lờ yêu cầu, hãy hỏi con rằng :”Bây giờ con cần phải làm gì?” Khi con đưa ra được đáp án đúng, cha mẹ hãy tiếp tục:”Con hãy thể hiện cho cha mẹ thấy điều đó.”
02. Chia nhỏ việc cần làm
Nếu con cảm thấy việc cần làm quá phức tạp, con sẽ bị do dự và không thể chú tâm hoàn toàn được. Để giúp con, cha mẹ có thể đưa ra gợi ý về từng bước cần làm tiếp theo. Như vậy sẽ tốt hơn là đưa ra những lời hướng dẫn hay giải thích dài dòng, hoặc trở nên mất kiên nhẫn và nặng lời với con. Thay vì liên tục thúc giục, cha mẹ hãy dành thời gian giúp con vượt con những khó khăn trong quá trình này. Giúp con rèn luyện sự kiên trì và bền bỉ cũng là một cách để kéo dài khả năng tập trung của con.
Ví dụ: thay vì bảo con hãy đi dọn phòng, cha mẹ có thể dặn con, “Đầu tiên, con hãy nhặt và cất đi những món đồ chơi trên sàn nhà, sau đó cha/mẹ sẽ bảo con tiếp theo cần làm gì.” Bên cạnh đó, việc minh họa những điều này ra giấy và dán trên tủ lạnh cũng là phương án hay để con luôn được nhắc nhở về những điều cần làm.
03. Biến những công việc nhàm chán trở nên thú vị
Nhiều trẻ chật vật với việc giữ tập trung vì con phải làm những việc con không muốn thực hiện. Đó có thể là những hoạt động lặp đi lặp lại, không có nhiều thay đổi hàng ngày. Khi gặp phải những hoạt động này, con sẽ nhanh cảm thấy bị nhàm chán. Trong trường hợp này, cha mẹ có thể hỗ trợ con bằng cách bổ sung thêm chút sáng tạo vào những bài tập hàng ngày.
Ví dụ, với những bài tập luyện viết chữ, cha mẹ hãy thử yêu cầu con tạo hình chữ “S” bằng cách sử dụng các viên đá, ô tô đồ chơi, hoặc các khối gỗ thay vì chỉ đơn giản là sử dụng bút giấy. Con cũng có thể sử dụng đất nặn, hoặc viền theo nét chữ bằng sơn màu trên giá vẽ để có một trải nghiệm thú vị hơn.
04. Rèn luyện thể thao
Đối với trẻ tiểu học, những khoảng nghỉ giải lao giữa giờ là một cơ hội tuyệt vời để tham gia vào các hoạt động thể chất hoặc vận động. Việc các con có thể ra sân chơi và chạy quanh sân trường cũng có hiệu quả rất tốt trong việc cải thiện sự tập trung sau đó. Cha mẹ có thể khuyến khích con tham gia các hoạt động như chơi đá bóng hoặc nhảy dây, hay bất kỳ hoạt động nào con yêu thích. Đồng thời, cả nhà cũng có thể dành những khoảng thời gian cố định trong tuần để cùng nhau tham gia các hoạt động như đi dạo, tản bộ trong công viên, hay đạp xe cùng nhau chẳng hạn.
05. Rèn luyện sức khỏe cho não bộ
Khả năng tập trung cũng là một kỹ năng có thể được rèn luyện. Các hoạt động như chơi một trò chơi xếp hình hay phụ giúp cha mẹ chuẩn bị bữa tối đều có thể giúp con cải thiện sự tập trung. Đồng thời, để giúp con nâng cao khả năng nhận thức, cha mẹ có thể dành thời gian cùng con quan sát và chỉ ra những điều thú vị xung quanh mình.
Ví dụ, trong lúc tản bộ cùng con, cha mẹ có thể dừng lại và chỉ ra một tổ chim trên cành cây hoặc nói về hình dạng và chất liệu của những hòn đá trên nền đất. Quá trình tập trung vào sự vật và phân tích những chi tiết cụ thể chính là cách con rèn luyện khả năng lưu giữ sự tập trung của mình.
06. Để ý lúc con bị mệt mỏi hay đói bụng
Đôi khi nguyên nhân làm mất sự tập trung của con có thể tới từ việc sức khỏe của con chưa ở trong trạng thái tối ưu nhất. Con có đang bị đói hay mệt mỏi không? Để giải quyết vấn đề này, cha mẹ hãy đưa con ăn chút đồ lót dạ trước khi để con làm bài tập. Hãy lựa chọn những món ăn lành mạnh hoặc nhiều dinh dưỡng thay vì những đồ ăn có hàm lượng đường cao. Một số món ăn gợi ý bao gồm các loại tinh bột nguyên cám, các loại rau hoặc món ăn chứa nhiều chất đạm như sữa chua, phô mai hoặc trứng luộc. Các loại hoa quả như chuối và táo kết hợp với bơ đậu phộng cùng là một phương án tuyệt vời.
Một giấc ngủ chất lượng cũng rất quan trọng. Vì vậy, cha mẹ hãy đảm bảo rằng con luôn được nghỉ ngơi khi cần thiết. Ví dụ, khoảng thời gian sau khi đi học về là lúc con nên được nghỉ ngơi. Nếu không, con rất dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi và ảnh hưởng tới sự tập trung trong lớp.
07. Khen ngợi những nỗ lực của con
Xã hội chúng ta đang sinh sống coi trọng kết quả đầu ra nhiều hơn là quá trình. Ta vẫn thường hay nói “Làm tốt lắm. Con đã thể hiện rất tốt.” Tuy nhiên, đôi lúc cha mẹ chưa để ý được rằng việc con bỏ ra thật nhiều nỗ lực để thực hiện một điều gì đó cũng đã là một điều rất tuyệt vời và nên được khen ngợi. Vì vậy, khi con đang học viết chữ, thay vì nói với con, “Chữ này con viết chưa đúng rồi,” cha mẹ có thể bảo con rằng,”Cha mẹ thấy con đã cố gắng để cầm bút đúng cách và viết không bị lệch hàng. Điều này rất đáng khen.”
08. Tìm sự giúp đỡ khi cần thiết
Một số lúc, khó khăn của con trong việc tập trung không thể được giải quyết chỉ bằng một vài tips đơn giản. Vì vậy, cha mẹ cần liên hệ giáo viên, bác sĩ nhi khoa, hoặc thậm chí là can thiệp từ những chuyên gia tâm lý. Một vài dấu hiệu để cha mẹ nhận biết khi vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn có thể là: con ở độ tuổi 4-5 thường xuyên không thể tập trung vào một việc trên 2 hoặc 3 phút, hoặc con liên tục cần hướng dẫn để thực hiện mà tự con có thể làm được, hoặc con dễ bị phân tán tới mức liên tục chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác.
Đồng thời, cha mẹ không nên đi tới giả định rằng con mắc phải ADHD (attention-deficit/hyperactivity disorder) - rối loạn tăng động giảm chú ý, một hội chứng thường được chẩn đoán ở lứa tuổi nhỏ với các biểu hiện như sự bốc đồng, tăng động, thiếu tập trung, hoặc sự kết hợp của cả ba. ADHD có thể không phải là nguyên nhân gốc rễ mà có thể tồn tại những yếu tố ảnh hưởng khác.
“Người lớn chúng ta cũng thường dễ mất tập trung nếu đang lo lắng về một việc gì đó. Nhiều trẻ em chúng tôi tiếp nhận thường gặp vấn đề về lo âu vì các con cảm thấy không đủ giỏi hoặc không có khả năng làm một việc gì đó,” - theo lời Margret Nickels - nhà tâm lý học lâm sàng và giám đốc của Học viện Erikson dành cho Cha mẹ và Trẻ em tại thành phố Chicago. Bà cho rằng, nếu một đứa trẻ bị chẩn đoán mắc ADHD, cha mẹ nên làm việc với chuyên gia về sức khỏe tinh thần để được tư vấn những hướng giải quyết phù hợp.
*Nguồn: Parents
*Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG Global
Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global
Comments