5 cách hỗ trợ con trẻ có chứng tăng động giảm chú ý
- marketing hn
- 17 thg 3
- 4 phút đọc
Đã cập nhật: 24 thg 3

Bạn có nhận thấy con mình gặp khó khăn trong việc tập trung vào một hoạt động hoặc có những hành vi bốc đồng? Nếu các triệu chứng này nghiêm trọng và gây ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống của trẻ, đó có thể là dấu hiệu của một chứn rối loạn hành vi, chẳng hạn như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
ADHD là một tình trạng mãn tính ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ em và thường kéo dài đến tuổi trưởng thành. Rối loạn này đặc trưng bởi các vấn đề dai dẳng như khó duy trì sự tập trung, tăng động và hành vi bồng bột.
Trẻ mắc ADHD có thể thiếu tự tin, mắc chứng lo âu học đường, khó duy trì các mối quan hệ xã hội và có kết quả học tập kém. Một số triệu chứng của ADHD có thể giảm bớt khi trẻ lớn lên, nhưng nhiều người vẫn phải đối mặt với rối loạn tăng động giảm chú ý suốt đời. Tuy nhiên, với chiến lược phù hợp, họ có thể kiểm soát các triệu chứng và phát huy tối đa khả năng của mình.
ADHD có ba dạng chính
ADHD thể không chú ý (Inattentive ADHD): Trước đây được gọi là ADD, trẻ mắc dạng này gặp khó khăn trong việc tập trung nhưng không có các biểu hiện của tăng động hay bốc đồng.
ADHD thể tăng động/bốc đồng (Hyperactive/Impulsive ADHD): Trẻ có biểu hiện tăng động hoặc bốc đồng nhưng không gặp vấn đề đáng kể về sự tập trung.
ADHD thể kết hợp (Combined ADHD): Đây là dạng phổ biến nhất, kết hợp cả ba triệu chứng chính: không chú ý, tăng động và bốc đồng.
Ảnh hưởng khác nhau của ADHD với từng giới tính
ADHD thường được chẩn đoán ở bé trai nhiều hơn bé gái. Tuy nhiên, nghiên cứu về ADHD ở người trưởng thành cho thấy tỷ lệ mắc hội chứng này giữa nam và nữ gần như tương đương. Một trong những lý do là các bé gái có xu hướng mắc ADHD thể không chú ý, do đó ít thể hiện những hành vi rõ ràng để cha mẹ và giáo viên có thể kịp thời nhận ra.
Hơn một nửa số trẻ mắc ADHD tiếp tục có triệu chứng khi trưởng thành. Nhiều người lớn chỉ nhận ra mình có ADHD khi con họ được chẩn đoán và họ nhận thấy những điểm tương đồng trong hành vi của bản thân. Một số người tìm đến điều trị khi cuộc sống trở nên mất kiểm soát – trong tài chính, công việc hoặc gia đình.
Phương pháp điều trị ADHD
Mặc dù các phương pháp điều trị không thể chữa hỏi hoàn toàn chứng tăng động giảm chú ý, chúng vẫn có thể giúp kiểm soát đáng kể các triệu chứng. Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm dùng thuốc kết hợp với can thiệp hành vi.
Việc phát hiện sớm và điều trị có thể mang tới khác biệt lớn đối với trẻ bị tăng động giảm chú ý. Làm việc với chuyên gia trị liệu chuyên về ADHD có thể giúp trẻ phát triển các kỹ năng quản lý hành vi, tâm lý, xã hội và học tập. Những chiến lược này giúp tăng hiệu quả của thuốc và cung cấp công cụ để trẻ thành công trong cuộc sống.
Chiến lược hỗ trợ trẻ mắc ADHD
Dưới đây là 5 chiến lược giúp quản lý ADHD hiệu quả hơn:
Khen ngợi và khuyến khích khi trẻ tuân thủ quy tắcTrẻ mắc ADHD thường nhận nhiều chỉ trích hơn so với trẻ khác, điều này có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng của các con. Cha mẹ nên cố gắng khen ngợi hành vi tích cực ít nhất 5 lần trước khi phê bình một hành vi tiêu cực.
Hướng dẫn rõ ràng và ngắn gọnGiao tiếp trực tiếp bằng cách nhìn vào mắt trẻ hoặc chạm nhẹ vào vai để thu hút sự chú ý. Hãy đưa ra các hướng dẫn ngắn gọn, cụ thể, thay vì các chỉ dẫn dài dòng hoặc nhiều câu hỏi liên tiếp.
Xây dựng thói quen lành mạnhNếu trẻ đang dùng thuốc, đảm bảo con uống đúng liều theo chỉ định của bác sĩ. Hãy liên lạc cơ sở y tế nếu có bất cứ vấn đề nào liên quan đến thuốc. Hãy giúp con đảm bảo giấc ngủ đủ và đều đặn, chế độ ăn uống cân bằng với 3 bữa chính và 1 bữa phụ mỗi ngày và duy trì hoạt động thể chất hàng ngày để giảm bớt triệu chứng ADHD
Xây dựng thói quen học tập và làm việc nhàCùng con lập danh sách những việc cần làm hàng ngày, bao gồm việc nhà, việc vệ sinh cá nhân trước giờ đi ngủ và việc chuẩn bị bài vở trước khi đến trường. Khuyến khích trẻ sử dụng sổ tay ghi chú để theo dõi bài tập. Đặt thời gian cố định để làm bài và sử dụng đồng hồ bấm giờ để nhắc nhở trẻ kiểm tra tiến độ. Nếu cần, có thể cho trẻ nghỉ ngắn giữa các nhiệm vụ.
Giúp trẻ xây dựng mối quan hệ và phát triển kỹ năng xã hộiCha mẹ nên làm gương cho trẻ về cách cư xử trong giao tiếp. Dành thời gian chất lượng 3-5 ngày/tuần với con. Trong khoảng thời gian đó hãy tạm dừng sử dụng thiết bị điện tử. Hãy hỗ trợ trẻ kết bạn và duy trì quan hệ thân thiết với ít nhất một người bạn. Đặc biệt với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể chủ động sắp xếp các buổi chơi cùng bạn bè hoặc khuyến khích tham gia hoạt động nhóm.
* Nguồn: mayoclinichealthsystem.org
* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG
Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global
Comentarios