top of page

Tại sao cha mẹ không nên tự trách mình về việc con cái họ trở nên như thế nào?

Vài năm trước, một học sinh đã tới gặp tôi sau buổi thứ hai của lớp học về nuôi dạy con và phát triển trẻ em (tôi là giáo sư ngành Tâm lý học tại Đại học). Cô ấy chần chừ một lúc, rồi thú nhận rằng, “Em thấy nội dung của lớp học rất thú vị, nhưng em đã hy vọng rằng lớp của cô có thể giúp em trở thành một người mẹ tốt hơn nếu sau này em có con.”


Sinh viên này đã vội đưa ra kết luận rằng lớp của tôi sẽ không giúp gì cho cô ấy, bởi vì trước đó tôi đã nói rằng giáo trình sẽ bàn về việc cha mẹ không có quyền kiểm soát trong việc kiến tạo nên con người mà con cái họ sẽ trở thành. Tôi cảm thấy bất ngờ vì điều này. Chẳng phải việc hiểu thêm về khoa học của việc làm cha mẹ và phát triển của trẻ sẽ hỗ trợ quá trình trở thành một người cha mẹ tốt sao? Tôi mong rằng lớp của tôi có thể thay đổi suy nghĩ của sinh viên đó.


Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global
Nguồn: ideas.ted.com - Tác giả: Avalon Nuovo

Cha mẹ - bất kể họ già hay trẻ, có kinh tế mạnh hay yếu, đang trong hôn nhân hoặc đã ly dị - đều muốn điều tốt nhất cho con mình. Rất nhiều cuốn sách hứa hẹn về những giải pháp cho những quyết định khó khăn mà cha mẹ phải đối diện hàng ngày và làm thế nào để đạt kết quả tối ưu nhất. Bất kể cha mẹ có sử dụng kiểu nuôi dạy nào, những cuốn sách này đều có cùng một thông điệp: nếu con của bạn đang không thành công, thì điều đó có nghĩa là bạn đang làm sai điều gì đó.


Tuy nhiên, sự thực là khoa học đã chứng minh một thông điệp hoàn toàn khác: việc dự đoán một đứa trẻ sẽ lớn lên như thế nào dựa trên những sự lựa chọn của cha mẹ cũng giống như việc dự đoán một cơn bão dựa vào sự chuyển động của cánh bướm vậy.

Bạn có biết về hiệu ứng cánh bướm rằng, một con bướm đập cánh ở Trung Quốc cũng có thể tạo ra sự náo động trong bầu khí quyển đủ để hình thành một cơn bão ở tận vùng Carribean sáu tuần sau đó không?


Trong trường hợp này, cha mẹ chính là chú bướm đang đập cánh. Đứa con là cơn bão, một sức mạnh hùng vĩ của thiên nhiên. Cha mẹ sẽ định hình con người mà con cái trở thành, giống như cách con bướm định hình cơn bão vậy - theo những cách phức tạp và khó đoán định, nhưng lại vô cùng mạnh mẽ. Cơn bão sẽ không thể nào tồn tại nếu thiếu đi chú bướm đập cánh kia. 


Đồng thời, mỗi đứa con khi lớn lên cũng sẽ chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố đan xen như di truyền hay ảnh hưởng từ môi trường xã hội và văn hóa.


Nghiên cứu đã được thực hiện với hàng triệu đứa trẻ để phân định mức độ ảnh hưởng của những yếu tố này. Các nghiên cứu đã được tiến hành với các cặp song sinh cùng trứng, các cặp song sinh khác trứng và cả những anh chị em ruột lớn lên cùng nhau, không cùng nhau hoặc được nhận nuôi. Kết quả cho thấy, không có sự giống nhau đáng kể về mức độ thành công, độ hạnh phúc hay sự tự lập của những đứa trẻ cùng chung sống dưới một mái nhà. Nói theo cách khác, nếu một đứa trẻ và anh chị em ruột của đứa trẻ đó từ khi sinh ra được nuôi dạy ở hai căn nhà ngay bên cạnh nhau thì điều đó cũng không khiến hai đứa trẻ thêm giống nhau hay khác biệt hơn khi cả hai cùng lớn lên trong cùng một nhà.


Một mặt, những nghiên cứu này nghe có vẻ thật khó tin. Hãy thử nghĩ về tất cả các bậc cha mẹ ngoài kia và sự khác nhau trong tần suất họ cãi vã, cách họ quản lý con cái như thế nào, hay cách họ thể hiện tình yêu với con ra sao, … Chắc hẳn những yếu tố này sẽ đủ quan trọng để khiến những đứa trẻ lớn lên trong cùng một gia đình trở nên giống nhau hơn là so với khi được nuôi dạy ở những gia đình khác nhau chứ? 


Không phải như vậy. Năm 2015, một nghiên cứu tổng hợp đã sử dụng 17,000 kết quả trên 14 triệu cặp sinh đôi từ 39 quốc gia. Kết luận cho thấy mỗi trường hợp đều được quy về yếu tố di truyền. Sự di truyền ảnh hưởng tới con người đứa trẻ sẽ trở thành sau này, nhưng đồng thời, yếu tố này cũng không quyết định tất cả. Môi trường cũng có tác động, nhưng lại không đủ mạnh mẽ để khiến những đứa trẻ lớn lên cùng một mái nhà trở nên giống nhau hơn. 


Xét một mặt khác, những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi cùng cha mẹ cũng có thể phát triển theo các cách khác nhau. Cha mẹ có thể tác động tới sự phát triển của con cái, theo những cách không giống nhau. Vậy cha mẹ có thể làm gì?


Đầu tiên, hãy hiểu rằng cha mẹ đóng một vai trò quan trọng trong việc nuôi dạy con. 

Tiếp theo, chấp nhận rằng sự ảnh hưởng của cha mẹ lên con cái là một yếu tố phức tạp và khó có thể dự đoán.

Với những người đã từng là cha mẹ: đừng tự trách bản thân mình như thể chúng ta đang kiểm soát được cuộc đời của con cái. Cha mẹ có thể tạo ảnh hưởng - nhưng không có quyền điều khiển cuộc sống của con.

Với những người đã từng là một đứa trẻ: hãy ngừng đổ lỗi cho cha mẹ của mình, hoặc ít nhất nghĩ rằng mình phải được được định hình bởi cha mẹ.


Và hãy ngưng đổ lỗi cho những bậc cha mẹ khác: một khảo sát với hàng ngàn cha mẹ đã cho thấy 90% các bà mẹ và 85% các ông bố cảm thấy bị đánh giá, và gần một nửa trong số họ cảm thấy bị đánh giá gần như toàn thời gian bởi những người họ biết lẫn không quen biết. Ngay cả khi đang cố gắng làm điều tốt nhất, cha mẹ vẫn không thể làm thỏa mãn tất cả mọi người.


Cuối cùng, hãy trân trọng những khoảnh khắc cha mẹ được ở bên con trong hiện tại, và tập trung vào ý nghĩa của những khoảnh khắc ấy ở hiện tại, thay vì ở tương lai - khoảng thời gian mà ngay cả cha mẹ cũng không thể đoán định được.

Nhà hoạt động xã hội Andrew Solomon đã từng nhận định rằng, "Mặc dù nhiều người trong chúng ta tự hào ở việc chúng ta khác cha mẹ như thế nào, chúng ta vẫn cảm thấy thất vọng vì con cái mình lại không trở nên giống mình." Có lẽ chúng ta sẽ đỡ thất vọng hơn nếu chúng ta có thể buông bỏ quan niệm rằng tương lai của con cái nằm trong sự kiểm soát của ta.


Nếu chúng ta có thể chấp nhận rằng quá trình phát triển của trẻ là một quá trình gian nan và phức tạp, điều đó có thể thay đổi cách ta tiếp cận các quyết định nuôi dạy con hàng ngày và giúp chúng ta nhận ra rằng có nhiều điều quý giá hơn ở việc có một đứa con thay vì cố gắng tạo ra một đích đến cụ thể cho cuộc đời của nó.


Như vậy, khoa học về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa cha mẹ - những chú bướm đập cánh, và những đứa con - những cơn bão của chúng ta, có thể giải phóng cho cha mẹ và giúp chúng ta tập trung vào những điều quan trọng và có ý nghĩa nhất trong cuộc sống. Điều này có thể giúp trải nghiệm làm cha mẹ, cũng như là cảm giác đã từng là một đứa trẻ, trở nên thực tế và đáng giá hơn.

 

*Nguồn: TED Ideas

*Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG Global

Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global


Comments


bottom of page