top of page

Nuôi dưỡng tiềm năng sáng tạo của con cùng Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global

Phụ huynh thường nghĩ ngay đến việc đăng ký cho con học các lớp nghệ thuật hoặc vung tiền cho các món đồ chơi chủ đề STEM khi muốn con mình trở nên sáng tạo hơn. Mặc dù những việc này cũng có tác dụng nhất định, nhưng với tư cách là một giáo sư tâm lý giáo dục đã viết nhiều về sự sáng tạo, tôi có thể dựa trên kết quả nghiên cứu về sáng tạo trong hơn 70 năm để đưa ra những đề xuất bổ sung hiệu quả hơn mà không khiến bạn cháy túi!


Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global
Nguồn: Sưu tầm

1. Hãy cẩn thận với phần thưởng

Một số phụ huynh có thể muốn thưởng cho sự sáng tạo của con trẻ khi chúng tạo ra thứ gì đó vừa mới mẻ vừa hữu ích. Tuy nhiên, trên thực tế, phần thưởng và lời khen có thể ngăn cản động lực sáng tạo bẩm sinh của con bạn. Nguyên nhân là vì lúc này hoạt động sáng tạo có thể sẽ bị gắn liền với phần thưởng và không còn là niềm vui hồn nhiên mà trẻ đáng ra sẽ nhận được nữa.

Tất nhiên, tôi không ngăn cản bạn dán các tác phẩm nghệ thuật của con mình lên tủ lạnh. Nhưng hãy tránh khen con một cách chung chung như: "Mẹ rất thích bức tranh này!" - hoặc quá tập trung vào năng khiếu của trẻ: "Con sáng tạo quá!". Thay vào đó, hãy khen ngợi những khía cạnh cụ thể mà bạn thích trong tác phẩm nghệ thuật của con mình: "Mẹ thích cách con tạo ra chiếc đuôi dễ thương cho chú cún này!" hoặc "Cách con kết hợp màu sắc ở đây thật đẹp!"

Phần thưởng vẫn có thể hữu ích trong một số trường hợp. Ví dụ, đối với một đứa trẻ thích vẽ, việc tặng cho chúng những vật liệu mà chúng có thể sử dụng trong tác phẩm nghệ thuật của mình là một ví dụ về phần thưởng giúp chúng duy trì tính sáng tạo.

Phần thưởng cũng có thể có ích khi được sử dụng để động viên trẻ tham gia vào các hoạt động (sáng tạo hoặc không) mà trẻ có thể đang không quá hứng thú tham gia. Ví dụ nếu một đứa trẻ có bài tập về hoạt động sáng tạo ở trường và ghét làm bài tập đó, thì không có đam mê cố hữu nào bị dập tắt khi sử dụng phần thưởng để cổ vũ trẻ thực hiện bài tập cả.

2. Khuyến khích sự tò mò và trải nghiệm mới

Nghiên cứu cho thấy những người cởi mở với những trải nghiệm và ý tưởng mới thường sáng tạo hơn những người khép kín. Nhiều bậc cha mẹ có con cái thích tìm kiếm và trải nghiệm những điều mới mẻ, chẳng hạn như thức ăn, hoạt động, trò chơi hoặc bạn chơi. Trong những trường hợp này, bạn chỉ cần tiếp tục cung cấp cơ hội và khuyến khích các con.

Đối với những phụ huynh có con ít nói và dè dặt, các bạn vẫn có thể giúp con cởi mở hơn theo những cách tinh tế kể cả khi về lý thuyết thì tính cách khá khó thay đổi. Ví dụ, một nghiên cứu (mặc dù đối tượng là người trưởng thành) đã chỉ ra rằng trò chơi ô chữ hoặc sudoku có thể giúp tăng sự cởi mở. Giai đoạn thiếu nhi và thanh thiếu niên cũng là 2 giai đoạn tự nhiên để sự cởi mở phát triển. Cha mẹ có thể thử khuyến khích sự tò mò của các con, hoặc khuyến khích các con chấp nhận rủi ro ở mức hợp lý - chẳng hạn như để một đứa trẻ không quá thích vận động thử một môn thể thao mới, hoặc cho một đứa trẻ ít năng khiếu âm nhạc thử một nhạc cụ mới. Ngay cả những thay đổi rất đơn giản trong thói quen buổi tối, cho dù là thử một trờ chơi mới hay giúp nấu bữa tối, cũng có thể giúp bình thường hóa sự mới lạ.

3. Giúp trẻ đánh giá những ý tưởng hay nhất của mình

Thế còn khi trẻ thực sự sáng tạo thì sao? Hầu hết mọi người đều đã nghe nói đến hoạt động động não khi nhiều ý tưởng khác nhau liên tục được đưa ra. Tuy nhiên, việc có thể đánh giá và lựa chọn ý tưởng hay nhất của mình cũng quan trọng không kém.

Con bạn có thể nghĩ ra 30 giải pháp khả thi cho một vấn đề, nhưng khả năng sáng tạo của chúng sẽ không được thể hiện nếu chúng chọn giải pháp ít thú vị nhất - hoặc ít khả thi nhất. Trên thực tế, việc khen ngợi đúng cách đã khó, thì việc đưa ra phản hồi đúng đắn có thể còn khó khăn hơn. Nếu bạn quá khắt khe, bạn có nguy cơ dập tắt niềm đam mê sáng tạo của con mình. Tuy nhiên, nếu bạn quá mềm mỏng, con bạn có thể không phát triển khả năng sáng tạo của mình ở mức tối đa có thể.

Nếu con bạn tìm kiếm ý kiến ​​đóng góp của bạn, hãy đảm bảo đưa ra phản hồi sau khi chúng đã động não và nghĩ nhiều ý tưởng khả thi. Lý tưởng nhất là bạn có thể đảm bảo rằng con bạn vẫn cảm thấy có năng lực và tập trung vào phản hồi liên quan đến những nỗ lực trước đây của chúng: "Cha thích hình ảnh con sử dụng trong bài thơ của mình; con đang tiến bộ hơn! Con có thể sử dụng phép ẩn dụ nào khác trong dòng cuối này không?"

4. Dạy trẻ khi nào không nên sáng tạo

Sau cùng thì sáng tạo không phải lúc nào cũng là lựa chọn tốt nhất. Đôi khi, giải pháp đơn giản lại hiệu quả hơn. Nếu bồn cầu bị tắc và bạn có một cái thụt, bạn không cần phải tự làm dụng cụ này từ móc áo và con vịt cao su bị chẻ đôi.

Đáng chú ý hơn, một số người, bao gồm cả giáo viên, nói rằng họ thích những người sáng tạo nhưng thực tế lại có quan điểm tiêu cực về những đứa trẻ sáng tạo mà thậm chí không nhận ra điều đó.

Nếu con bạn học trong một lớp mà sự sáng tạo của chúng gây ra một số phản ứng tiêu cực, chẳng hạn như các vấn đề về kỷ luật hoặc điểm thấp, bạn có thể muốn làm việc với con mình để giúp chúng hiểu được phương án hành động tốt nhất. Ví dụ, nếu con bạn có xu hướng nói ra ý tưởng của mình bất kể chúng có liên quan đến cuộc thảo luận đang diễn ra hay không, hãy nhấn mạnh rằng chúng nên chia sẻ những suy nghĩ có liên quan trực tiếp đến chủ đề của lớp học.

Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy giáo viên không đánh giá cao hoặc không thích sự sáng tạo của con bạn, bạn có thể gợi ý con giữ một "bãi đỗ xe ý tưởng" để viết ra những suy nghĩ sáng tạo của mình và chia sẻ chúng với bạn - hoặc một giáo viên khác - sau đó trong ngày.

Sáng tạo có rất nhiều lợi ích về mặt học thuật, chuyên môn và cá nhân. Chỉ cần một vài lời động viên nhẹ nhàng, bạn có thể giúp con mình phát triển và sử dụng trí tưởng tượng theo ý muốn.

* Nguồn: Lược dịch từ childmind.org

* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG

Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global

Comments


bottom of page