top of page

Nắm bắt tâm lý trẻ vị thành niên



“Bố mẹ không hiểu con!” là một bức tường rất nhiều cha mẹ gặp phải khi nói chuyện với những đứa con ở tuổi mới lớn. Ở giai đoạn này, chúng thay đổi rất nhiều kể cả về mặt tâm lý và sinh lý, chính những thay đổi này làm cha mẹ đôi lúc không nhận ra đứa con mình nuôi dạy nữa. Từ một đứa trẻ luôn vâng lời, chúng giờ đây có những hành động kì lạ, rất thích phản kháng và không chia sẻ với bố mẹ nhiều như trước. Hơn bao giờ hết, đây chính là lúc cha mẹ cần hiểu những thay đổi trong cơ thể chúng, để con hiểu rằng bố mẹ sẽ luôn là một chỗ dựa đáng tin và thông thái để có thể dựa vào trong giai đoạn khủng hoảng dậy thì này.

Để có thể giữ trẻ bình tâm hơn giữa cơn bão thay đổi ấy, cha mẹ cần xây dựng những kết nối cảm xúc với trẻ thật bền chắc từ khi con còn nhỏ. Những viên gạch để tạo nên kết nối ấy có thể kể đến việc xây dựng sự tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, việc giúp con hiểu được mỗi gia đình có những khó khăn riêng mà tất cả cần giúp đỡ nhau vượt qua, hay đơn giản là việc thêm chút hài hước để giảm căng thẳng khi bất đồng quan điểm. Dưới đây là một số cách giúp cha mẹ bồi đắp được những viên gạch như thế:


1. Hãy giao cho con những việc con có thể làm được và làm tốt.

Đây là một thói quen nên được hình thành từ sớm ở trẻ, đặc biệt quan trọng khi con chuẩn bị tới tuổi vị thành niên. Để con có thể trở thành một người độc lập và tự chủ, con phải có niềm tin vào khả năng của bản thân. Cha mẹ có thể giúp con hình thành sự tự tin bằng cách chủ động dựa vào con ở một số việc đơn giản. Khi nhìn thấy con trẻ hào hứng khi làm việc gì đó, cha mẹ hãy dừng lại và quan sát thật kỹ. Ghi nhớ những điều làm trẻ hào hứng, và hãy kết hợp những điều đó khi giao việc nhà hoặc nhiệm vụ khác cho trẻ.


2. Đừng bị lệ thuộc quá vào việc con có thích mình không.

Nếu cha mẹ quan tâm quá nhiều tới chuyện mình có phải người “ngầu" trong mặt con không, thì khi đó những việc cha mẹ làm sẽ chỉ phục vụ cái tôi của họ, chứ không thực sự tốt cho con. Cha mẹ cần giới hạn những thứ trẻ có thể làm trong khuôn khổ những việc không làm ảnh hưởng tới nhu cầu hay quyền lợi của người khác, kể cả việc đó làm cha mẹ tổn thương vì bị con “ghét". Để làm được điều này, cha mẹ cần rất cẩn trọng khi từ chối đòi hỏi của trẻ. Nếu cha mẹ thấy con luôn ghét mình, thì hãy tự hỏi xem liệu mình có đang không lắng nghe con không. Ngược lại, cha mẹ cũng cần tự điều chỉnh hành vi khi nhận thấy mình luôn cố gắng để đáp ứng nhu cầu của trẻ.


3. Luôn xin lỗi khi làm sai, ngay cả với việc nhỏ.

Khi bố mẹ xin lỗi con, chúng sẽ cảm thấy được tôn trọng như một người trưởng thành. Hơn thế, con sẽ học được rằng việc xin lỗi không biến mình thành một kẻ ngốc, mà là dấu hiệu của người trưởng thành. Làm được điều đó, cha mẹ sẽ tránh được rất nhiều cuộc tranh cãi không đáng có về sau.


4. Quan trọng nhất, hãy luôn để con biết rằng mình yêu con.

Ngay cả khi bọn trẻ làm bạn nổi nóng và bạn phải điều chỉnh, thậm chí cấm hành vi của chúng, hãy luôn để con biết rằng bạn làm những điều đó vì bạn yêu chúng. Những cô cậu ếch cuối cùng sẽ trở lại thành hoàng tử, công chúa thôi - nhưng bạn phải thơm chúng trước!


* Nguồn: Help Guide

* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG




21 lượt xem

Comments


bottom of page