Việc nuôi dạy con cái hoàn toàn không thể thiếu quyết định của “đôi bên”. Cuộc hành trình này luôn khởi hành với quyết định chung của hai người thuyền trưởng khi họ quyết đình bắt tay kiến tạo một gia đình. Và cũng kể từ đó, các cặp vợ chồng phải đối mặt với một loạt các lựa chọn, kể đến như “Chúng mình nên đặt tên con là gì? Liệu có nên chuyển đến gần ông bà nội ngoại hơn không? Hay có em bé nữa nhỉ? Mình sẽ chọn màu gì cho phòng của con? Vợ chồng mình sẽ xem bộ phim nào trước khi cả nhà “lăn kềnh ra ngủ”?
Các câu hỏi xuất hiện “tới tấp” kể từ quyết định khởi hành đó. Và cũng không thể thiếu việc đưa ra quyết định cùng nhau với tư cách là cha mẹ, điều mà xem chừng khá khó khăn. Chỉ riêng số lượng quyết định cần được đưa ra, đi kèm với những “tính cạnh tranh” trong vai trò làm cha mẹ cũng có thể làm ta cảm thấy choáng ngợp. Sự hỗn loạn vì dịch bệnh trong vài năm qua dường như làm cho mọi việc trở nên đau đầu hơn, minh chứng bằng việc các bác sĩ đang rung hồi chuông báo động về tình trạng “mệt mỏi vì phải quyết định”, trong đó việc đánh giá rủi ro gần như liên tục đã làm ảnh hưởng lớn đến khả năng đưa ra lựa chọn của mọi người.
Silva Depanian, một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình và là cố vấn quản lý cảm xúc tại Los Angeles, cho biết: “Những quyết định khó khăn đã đặt mọi người vào tình thế dễ bị tổn thương và càng khó đưa ra quyết định hơn trong thời khắc căng thẳng. Khi chúng ta bị ‘stressed’, ta bật chế độ sinh tồn, khiến ta ở tư thế phải phòng thủ và cũng hoảng loạn hơn.”
Trong chế độ sinh tồn, cách tiếp cận vấn đề của một người có thể trở nên cá nhân hóa hơn, bà bổ sung. Người đó sẽ nghĩ, “Làm sao để mình sống xót bây giờ?” thay vì xử lí tình huống cùng nhau và ưu tiên những gì tốt nhất cho mối quan hệ.
Tuy nhiên, ngay cả trước khi xảy ra đại dịch COVID, những thay đổi trong tương tác của mối quan hệ và những kỳ vọng về vai trò của giới đã khiến việc ra quyết định của các cặp vợ chồng ngày càng trở nên phức tạp, đây là kết quả do một nhóm tác giả nghiên cứu tại châu Âu công bố năm 2018. Khi vai trò của người chăm sóc và người “kiếm cơm” trong nhà mờ nhạt và lẫn vào với nhau, thì các trách nhiệm có thể được trao đổi và chia lại gần như hàng ngày. Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy rằng các cặp vợ chồng có nhiều xu hướng quay lại theo quan niệm truyền thống về kỳ vọng giới tính — điều này có thể ảnh hưởng đến nhận thức về trọng lượng trong ý kiến trong việc đưa ra quyết định — theo những tác động bởi đại dịch COVID trong thị trường lao động.
Bà Nikky Lively, một chuyên gia trị liệu tập trung vào cảm xúc và giám đốc điều trị của chương trình “Vững bước vào Nghề cha mẹ” tại Viện Gia đình tại Đại học Northwestern, cho biết rằng các cặp vợ chồng có xu hướng trở nên truyền thống hơn trong thái độ của họ đối với vai trò giới tính sau khi họ bước vào năm tháng làm cha mẹ.
Bà cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò giới khi có sự tác động của quyền lực và tầm ảnh hưởng thì có thể trở thành vấn đề đối với cha mẹ. “Đôi khi phụ nữ không có nhiều quyền lực ngoài xã hội, nên khi về với mái ấm của mình, họ muốn cảm thấy được lắng nghe. Hoặc đôi khi đàn ông không nhận ra cách họ sử dụng quyền lực của mình ở nhà”, bà nói.
Do đó, ta hoàn toàn có thể thấy rằng việc một cặp vợ chồng đưa ra quyết định cùng nhau thực sự sẽ khó khăn. Các chuyên gia của chúng ta cho biết, cần có những bộ kĩ năng cụ thể để có thể tiếp cận một cách hài hoà và công bằng với việc cùng đưa ra quyết định, và điều này hoàn toàn có thể học và luyện tập. Dưới đây là một số cách mà các cặp vợ chồng có thể áp dụng để làm sao quá trình này diễn ra suôn sẻ nhất có thể.
1. Nhìn nhận về xuất thân của nhau
Có thể thấy, các quyết định có xu hướng dựa trên những ý nghĩ và hệ giá trị mà một cá nhân tiếp xúc từ khi sinh ra. Nhiều người không bao giờ “ngó ngàng” tới những điều này bởi vì bộ não của chúng ta theo lẽ tự nhiên muốn tìm kiếm bằng chứng cho thấy chúng ta đúng, chứ không phải những gì lật ngược lại vấn đề, khiến ta hoài nghi về bản chất những quyết định của mình, Silva nói.
Do đó, mỗi người bạn đời bước vào mối quan hệ với những khác biệt trong cách phần quyền và thoả hiệp.
Wyatt Fisher, nhà tâm lý học và người đào tạo về mối quan hệ ở Boulder, Colorado, cho biết: “Những người lớn lên trong gia đình có cha mẹ buông thả, nuông chiều thường làm theo ý mình muốn và họ mang lối tư duy đó vào hôn nhân của mình. Nếu một người là con một trong gia đình của mình, người đó thường không có nhiều kinh nghiệm phải chia sẻ hay thỏa hiệp với bất kì ai. Nếu một người lớn lên với cha mẹ độc đoán và cảm thấy bản thân không có tiếng nói trong chuyện gia đình, người đó có thể dễ dàng nhượng bộ một khi lớn lên”.
Con người ta có thể cảm thấy rõ về một số khía cạnh trong cách nuôi dạy con của mình, những điều rất giống với thứ họ trải nghiệm khi còn nhỏ.
Lively nói: “Trong những khoảnh khắc liên quan đến việc nuôi dạy con cái, cha mẹ có thể trở nên phòng thủ và khắt khe vì tính cạnh tranh vai trò có thể rất cao. Ai ai cũng muốn làm tốt vai trò phụ huynh và muốn những gì tuyệt vời nhất cho con mình.”
Trau dồi nhận thức về cách ta và người bạn đời của mình tiếp cận các quyết định chung trong chuyện gia đình có thể giúp chính ta thay đổi những khía cạnh không hữu ích trong thế giới quan của hai người.
2. Học cách lắng nghe tốt hơn
Khi cha mẹ không đồng quan điểm về một vấn đề, điều này cho ta cơ hội để sống chậm lại, tăng tính tò mò và đặt câu hỏi. Thế nhưng việc không biết lắng nghe đối phương có thể làm “đổ sông đổ bể” cơ hội đó.
Mọi người thường nghĩ rằng mình đang lắng nghe và thấu hiểu người khác trong khi những gì họ thực sự làm là tiếp nhận lời nói của vợ hoặc chồng mình qua tai, đồng thời suy nghĩ về tất cả các lý do để minh chứng rằng quan điểm của mình là đúng, cũng như khi nào sẽ đến lượt mà mình được trình bày quan điểm.
Silva nói: “Con người ta có thể trở nên phòng thủ khi ta cảm thấy bản thân không được lắng nghe, nguồn cơn có thể đến từ việc cảm xúc của bản thân bị lờ đi”.
Rất nhiều người không hiểu rằng lắng nghe thực sự có nghĩa là nghe người khác chia sẻ và cố gắng hiểu quan điểm của họ, theo bà Jenny Yip, Psy.D., nhà tâm lý học lâm sàng đồng thời là trợ lý phó giáo sư lâm sàng về tâm thần học tại Trường USC Keck về Y học.
Khi cha mẹ đang chia sẻ với nhau về một quyết định lớn, hãy cố gắng nói chậm lại và tạm dừng sau khi người bạn đời của mình nói xong. Điều này cho phép cả hai có cơ hội suy ngẫm về những gì đã nói và để vợ hoặc chồng của mình giải thích thêm nếu cô ấy hay anh ấy muốn.
(Còn tiếp, theo dõi để đón đọc phần 2)
*Nguồn: Fatherly
*Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG
Comments