Khảo cổ học đã dạy tôi điều gì về việc làm cha mẹ?
- marketing hn
- 24 thg 2
- 6 phút đọc
Đã cập nhật: 24 thg 3
Ngành khảo cổ học đã dạy tôi điều gì về việc làm cha mẹ?

Việc làm cha mẹ có lẽ là một trong những trải nghiệm hai chiều nhất là chúng ta trải qua. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi lúc lâm bồn, tôi đã nhận ra rằng, “Trời đất, cảm giác như mình chuẩn bị được tái sinh vậy. Mình sẽ trở thành một người Mẹ.” Khi đứa con của mình chào đời, bạn cảm thấy như đã đạt thêm một thành tựu, được tiếp thêm một nguồn sinh lực dồi dào. Nhưng cùng với đó, bạn cũng có thể cảm thấy một sự mất mát sâu thẳm. Quá trình này vừa đẹp, nhưng lại cũng thật buồn.
Tôi định nghĩa bản thân bằng hai vai trò. Tôi là một nhà khảo cổ học, và cũng là mẹ của một cậu nhóc 4 tuổi. Công việc ảnh hưởng rất sâu sắc tới cách tôi tư duy về việc làm cha mẹ. Nhưng đồng thời, quá trình làm cha mẹ cũng đã giúp tôi thay đổi hoàn toàn cách tôi nhìn nhận công việc của mình. Dưới đây là 5 điều tôi đã học được.
Mọi người đều sẽ vấp ngã trong quá trình làm cha mẹ
Khảo cổ học có lẽ là ngành duy nhất giúp chúng ta hiểu rằng bản tính của loài người sẽ không thay đổi trong 100,000 năm nữa. Mỗi khi tôi khai quật một địa điểm từ lâu đời hoặc nghiên cứu về những nền văn hóa cổ xưa, tôi thường băn khoăn rất nhiều về cách những cha mẹ thời kỳ đó đã nuôi dạy con như thế nào, hay những khó khăn mà họ đã trải qua. Bởi vì, mặc dù mọi nền văn hóa đều có sự khác biệt, khủng hoảng tuổi lên 2 (terrible twos - thuật ngữ dùng để chỉ giai đoạn thay đổi tâm lý của trẻ trong khoảng từ 18 tháng tới 3 tuổi - theo trang Healthline) vẫn là khủng hoảng tuổi lên 2 dù ở bất cứ thời đại nào. Tôi cũng đã đọc về những học sinh nam thời Ai Cập cổ đại thiếu tập trung trong lớp và có hành vi thiếu tôn trọng. Liệu cha mẹ của những cậu bé này có phạt chúng không?
Ý tôi muốn nói là: dù chúng ta đang làm cha mẹ ở thời hiện đại, chúng ta nên hiểu rằng cha mẹ ở bất kỳ thời đại nào cũng đều trải qua những vấn đề giống nhau.
Không có cách nuôi dạy con “đúng”
Cách chúng ta định nghĩa “tuổi thơ” (childhood) - khái niệm rằng trẻ con chưa trở thành người lớn cho tới khi đủ 18 hoặc 21 tuổi - được hình thành từ sau thời kỳ Victoria. Đối với những nền văn hóa cổ đại, khái niệm này sẽ trở nên hoàn toàn lạ lẫm. Chẳng hạn, văn hóa Ai Cập cổ đại nhìn nhận trẻ em không khác gì người lớn, và thường coi chúng là những “người lớn bé nhỏ.” Các bé gái sẽ được học cách khâu vá, làm các công việc nhà và chăm sóc các em nhỏ hơn. Các bé trai sẽ làm việc đồng áng hoặc giúp đỡ cha.
Thông tin này có thể giúp các bậc cha mẹ thời hiện đại có một góc nhìn tổng quan hơn, và cũng giúp chúng ta có cái nhìn phản biện và hoài nghi hơn về những lời rao giảng về cách làm cha mẹ ở trên những trang mạng truyền thông hiện nay.
“Cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ”
(Bản gốc: “It takes a village to raise a child.” - ngạn ngữ châu Phi)
Việc nghiên cứu về những nền văn hóa cổ có thể cho thấy cách chúng ta tiếp cận việc làm cha mẹ thời nay có phần kỳ lạ như thế nào. Nếu bạn là một người mẹ đang đi làm sống tại Mỹ, không ở gần cha mẹ và không có một người bạn đời làm nội trợ ở nhà, bạn sẽ không có thời gian chăm con và sẽ phải gửi con ở nhà trẻ hoặc thuê bảo mẫu. Nhưng đó không phải là cách chúng ta nuôi con hàng ngàn năm trước. Trong phần lớn nền văn hóa cổ đại, quá trình nuôi con cũng giống như một hoạt động nhóm vậy. Công việc này sẽ được đảm nhận bởi cha mẹ, anh chị em, họ hàng và thậm chí là cả những người sống trong làng nữa. Một cảnh tượng thường thấy trên đường mỗi khi tôi công tác tới Ai Cập là hình ảnh các bé trai ở độ tuổi vị thành niên đang trông em hoặc ru em ngủ - một điều tôi không hay chứng kiến khi ở Mỹ.
Quan điểm của tôi không phải là văn hóa Ai Cập hiện đại luôn đúng. Nhiều phụ nữ vẫn chưa có cơ hội tiếp cận giáo dục hay theo đuổi sự nghiệp của mình. Nhưng tôi nghĩ việc nuôi dưỡng đứa trẻ trong một cộng đồng với nhiều tình yêu thương là một cách tiếp cận mà chúng ta nên học hỏi theo.
Sự đồng cảm là chìa khóa kết nối
Là một nhà khảo cổ học và một người mẹ, tôi có một niềm thấu hiểu cực kỳ lớn với những bậc cha mẹ trong lịch sử. Trong những nền văn hóa cổ đại, tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là cực kỳ cao - Một đứa trẻ sống đến năm 5 tuổi là một kỳ tích lớn. Trước khi có con, tôi chỉ coi điều này không khác gì một mẩu kiến thức.
Nhưng bây giờ, tôi mới thực sự cảm nhận được điều đó. Tôi đã từng nhìn thấy những bức ảnh khai quật của một khu vực là nơi chôn cất những đứa trẻ trước đây. Giờ đây, mỗi khi chúng tôi đào lên những khúc xương của trẻ em, tôi thường tự hỏi, “Điều này đã xảy ra như thế nào?”, “Cha mẹ của lũ trẻ đã cảm thấy ra sao?” Những lúc đó, tôi không thể kìm được lòng mình. Những trải nghiệm này đã dạy cho tôi khả năng đồng cảm sâu sắc hơn với tư cách là một người mẹ.
Ai cũng có một chỗ đứng trong lịch sử nhân loại
Trong một thế giới đầy bận rộn cùng vô vàn vấn đề, tôi nghĩ mỗi người chúng ta đều cảm thấy một chút lạc lõng và thiếu kết nối với lịch sử. Chúng ta đọc về quá khứ nhưng không thể nhìn thấy mối liên hệ mật thiết giữa lịch sự và đời sống của chúng ta như thế nào. Nhiều người trong chúng ta sống xa gia đình và cũng khó để có thể kết nối với dòng họ thân thích như khi nhiều thế hệ còn chung sống dưới một mái nhà như trước đây.
Thế nhưng, tôi đã nhận ra rằng: tất cả chúng ta đều là một phần của dòng chảy lịch sử nhân loại. Tôi hy vọng rằng việc lớn lên với hai phụ huynh đều nghiên cứu khảo cổ học sẽ giúp con trai tôi hình thành sự khiêm nhường và góc nhìn về những thành tựu tuyệt vời của những nền văn minh trước đây. Tôi mong con tôi sẽ hiểu thêm những bài học mà những nền văn hóa cổ xưa đã dạy chúng ta, và nếu trở thành một người đưa ra quyết định, con trai tôi có thể tìm về lịch sử để có thêm góc nhìn. Tôi mong con tôi có thể hiểu rằng: tất cả mọi người - của quá khứ, hiện tại, và tương lai - đều có những cuộc đời rất thú vị. Tất cả chúng ta đều là có một vai trong câu chuyện kể về những thành tựu của nhân loại.
Con trai tôi đã giúp tôi tìm ra chỗ đứng trong hành trình làm người của mình - Tôi là quá khứ của thằng bé, và thằng bé là tương lai của tôi. Không có điều gì khiến tôi muốn gìn giữ di sản văn hóa chung của chúng ta hơn vậy.
*Nguồn: TED Ideas
*Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG Global
Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global
Opmerkingen