top of page

Cha mẹ "cãi nhau" và những ảnh hưởng không ngờ

Trẻ trong khoảng 2 - 3 tuổi liệu có biết khi nào cha mẹ đang cãi nhau không? Con trẻ bị ảnh hưởng nhiều hơn ta nghĩ.

Một người bạn của tôi gần đây đã kể lại cuộc trò chuyện đáng ngạc nhiên mà cô ấy có với cậu con trai 2 tuổi trước khi đi ngủ. Cô nhớ lại và kể “Tối nào tớ cũng thường nói "Mẹ yêu con”". Và con cũng sẽ nói, “Con yêu mẹ”. Rồi “Con yêu ba, ba cũng yêu con. Nhưng Mẹ không yêu Ba. Ba nói mẹ là đồ ngốc nghếch”. Đó là khi cô bạn ấy nhận ra những cuộc cãi cọ mà hai vợ chồng yên lặng cho qua cùng với sự căng thẳng không nói nên lời đã bị cậu con trai nhỏ của cô để ý thấy. Và trái tim cô ấy tan vỡ, ngay giây phút ấy. Những đứa trẻ hiển nhiên là những sinh linh bé bỏng có trực giác, sự nhạy bén, nhưng liệu những đứa trẻ trong độ tuổi vừa mới biết đi có nhận ra khi nào cha mẹ của chúng đang cãi nhau nảy lửa không? Trẻ con lúc ấy hiểu được bao nhiêu trước khi khả năng ngôn ngữ của chúng được xây dựng và ký ức suốt đời của con được hình thành? Những cuộc tranh cãi kịch liệt của bậc làm cha mẹ chúng ta có bao nhiêu tác hại đối với bọn trẻ? Bằng chứng là qua những câu từ gây sững người của bạn bé con kia cho thấy rằng thực tế trẻ con chú ý nhiều hơn những gì phụ huynh nhận thấy. Nhưng liệu con có thực sự biết chuyện gì đang xảy ra không? Tôi đã nói chuyện với nhà trị liệu và tâm lý học Sherrie Campbell, người đã nói cho tôi biết sự thật.


Sherrie nói: “Trẻ trong độ tuổi mới biết đi thậm chí còn nhận thức rõ hơn khi cha mẹ chúng cãi nhau căng thẳng so với trẻ lớn hơn vì ở độ tuổi này các bé chưa xây dựng được bất kỳ hệ thống phòng thủ nào để phản ứng với xung đột của người lớn”. Cô nói thêm “Chúng có thể cảm nhận được năng lượng cảm xúc giữa cha mẹ chúng và cực kỳ nhạy cảm với nó. Trẻ nhận biết điều đó thông qua quan sát và nắm bắt cảm giác về môi trường xung quanh. Cảm xúc có tính lan toả và trẻ khoảng 20-24 tháng tuổi cũng bị ảnh hưởng bởi cảm xúc. Nói rõ hơn, trẻ dễ bị tổn thương hơn”.


Samantha Rodman, một nhà tâm lý học và là tác giả của cuốn sách “Làm sao để nói chuyện với con về chuyện ly hôn của cha mẹ” (How to Talk to Your Kids About Your Divorce) cũng nhắc lại góc nhìn của Campbell. Bà nói: “Nhiều bậc cha mẹ tin rằng vì những gì họ nói khi cãi vã có thể quá phức tạp để trẻ nhỏ có thể hiểu được, nên việc cãi nhau om sòm này trước mặt trẻ là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, ngay cả trẻ sơ sinh cũng có thể cảm thấy giọng điệu căng thẳng, tức giận hoặc khó chịu và cả ngôn ngữ cơ thể, khiến chúng có thể cảm thấy bị bỏ rơi, thất vọng, sợ hãi và buồn bã.”


IEG Global nghechame.ieg.vn nghe cha me ieg
Cha mẹ "cãi nhau" và những ảnh hưởng không ngờ

Cho rằng trẻ con khi còn bé có rất ít nhận biết từ môi trường xung quanh nói với con rằng chúng an toàn, trẻ thường xuyên dựa vào không khí chung của căn phòng, đặc biệt là từ cảm xúc của cha mẹ, để biết rằng mọi thứ đều ổn. Và cách cha mẹ đối xử với nhau là một chỉ số chính cho thấy trẻ có cảm thấy mình đang được an toàn hay không. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington đã phát hiện ra rằng trẻ từ 15 tháng tuổi có thể hiểu mọi người thông qua các tín hiệu chúng nhìn thấy và cảm nhận được, và con trẻ sử dụng thông tin cảm xúc đó để hướng hành vi của chính mình.


Vì vậy, làm thế nào để cha mẹ biết nếu con đang sống với nguồn năng lượng căng thẳng ấy trong gia đình? Cả Rodman và Campbell đều nói rằng trẻ từ khi biết nói sẽ thường kêu lên những từ như “Thôi đi” hay “Con sợ”. Chúng có thể đẩy cha mẹ ra xa nhau, hoặc thậm chí hành động theo phản xạ để khiến cha mẹ ngừng cãi nhau kịch liệt nữa và tập trung vào đứa trẻ, người cần được yêu thương và trấn an. Hoặc, trong trường hợp của cô bạn tôi, trẻ con có thể cho cha mẹ biết những gì con quan sát được từ cha mẹ vào những thời điểm không ngờ nhất.


Campbell nói: “Đó là hành động bắt chước của trẻ con ở mọi lứa tuổi. “Nếu cha mẹ cãi nhau hay thậm chí là có động tay động chân, trẻ con sẽ học cách bắt chước và làm theo hành vi này. Vì vậy, khi ta nhìn thấy hoặc nghe thấy một đứa trẻ mới biết nói biết đi mà biết cả la hét, đánh bạn khác hoặc nói 'im đi' hoặc những điều tương tự mà cha mẹ chúng nói, đó là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy rằng việc cha mẹ cãi nhau và xung đột đang xảy ra trong nhà”.


IEG Global nghechame.ieg.vn nghe cha me ieg
Cha mẹ "cãi nhau" và những ảnh hưởng không ngờ

Tất nhiên không phải tất cả các cuộc cãi vã đều nên được nhìn nhận một cách tiêu cực giống nhau. Theo Heather Turgeon, nhà trị liệu tâm lý và nhà trị liệu gia đình, đó là kiểu xung đột, tranh cãi tạo nên sự khác biệt cho những đứa trẻ nhỏ. “Lập luận mang tính xây dựng khi phụ huynh cãi cọ có thể đưa ra báo hiệu tốt cho sức khỏe tâm lý của con trẻ. Những đứa trẻ quan sát thấy cha mẹ đang tranh luận, rồi nói về cảm xúc của mình (ngay cả khi trong đó bao gồm cả cảm giác tức giận) và cùng nhau ngồi xuống tìm ra một giải pháp được cho là có khả năng đồng cảm hơn, hòa nhập với bạn bè đồng trang lứa hơn và có kỹ năng xã hội. Mặt khác, những đứa trẻ tiếp xúc với những xung đột trong gia đình như khó chịu lẫn nhau, lăng mạ, chửi bới và đụng chân đụng tay, có nhiều khả năng hành động tương tự bố mẹ của con và thể hiện ra các triệu chứng trầm cảm”. Trên thực tế, Turgeon lập luận rằng tốt hơn hết phụ huynh nên giãi bày những cảm xúc khó khăn của mình trước mặt con cái hơn là tránh hoàn toàn việc cãi nhau. Cô viết: “Những đứa trẻ nhỏ có đầy đủ nhận thức khi nào cảm thấy xa cách về mặt tình cảm cũng như khi con cảm thấy cơn tức giận”.


Nhưng nếu các bậc cha mẹ không thể kiểm soát các cuộc đấu khẩu, hành động “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” của mình bằng một số giải pháp bình tĩnh hơn, Rodman gợi ý cha mẹ nên xử lý các vấn đề ấy khi bọn trẻ đang ngủ hoặc ra khỏi nhà. Nếu điều đó hoàn toàn không thể, hãy tìm tư vấn nơi mà ta có thể la hét và tranh luận trong một không gian an toàn, nơi không có đôi mắt và đôi tai tiếp thu thông tin về các biểu hiện rối loạn chức năng cảm xúc. Bởi vì ngay cả khi chúng còn quá nhỏ không nói được câu "Mẹ không yêu bố", tụi nhỏ vẫn có thể cảm thấy như vậy.


* Nguồn: Romper

* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG Global


35 lượt xem

Comments


bottom of page