Khi chúng tôi hỏi phụ huynh rằng họ mong muốn điều gì cho con mình trong tương lai, hầu hết trả lời rằng: “Tôi muốn con được hạnh phúc”. Nhưng khi chúng tôi hỏi bọn trẻ con nghĩ rằng cha mẹ muốn gì cho con, chúng thường trả lời rằng: “Bố mẹ muốn con đỗ một trường đại học tốt.” Sự khác biệt này có vẻ như thật kì quái, nhưng thực chất chính là sự thật đáng buồn hiện tại. Nhiều bậc cha mẹ mà chúng tôi gặp trong quá trình làm việc với bọn trẻ thực sự cho rằng một trường đại học tốt sẽ dẫn tới một công việc tốt, tới sự ổn định tài chính, và đó chính là định nghĩa “hạnh phúc” đối với họ. Rồi những đứa con của họ cũng tin vào điều này. Nhưng liệu đó có thực sự là hạnh phúc không?
Nhiều nghiên cứu cho rằng con người cảm thấy hạnh phúc hơn khi chúng ta ưu tiên việc có nhiều thời gian, hơn là có nhiều của cải vật chất. Ta hạnh phúc hơn khi biết cho đi nhiều hơn nhận lại, và khi ta trân trọng những điều ta đang có, thay vì theo đuổi những điều xa hoa ngoài kia. Vì vậy, khi chúng ta đánh đồng thành tích trong học tập, và thành công trong sự nghiệp với hai từ “hạnh phúc”, ta đang khiến con cái mình có suy nghĩ sai lầm về niềm vui. Những năm gần đây, ta thấy được sự gia tăng rõ rệt trong hành vi sử dụng chất kích thích, và tỉ lệ tự tử cao ở trẻ em và trẻ vị thành niên có thành tích học tập cao. Có vẻ như là sự lo lắng, trầm cảm và cảm giác vô vọng chẳng hề bớt đi khi thành tích của con cải thiện.
Hai trong số những điều có ý nghĩa nhất với hạnh phúc lại là (1) mối quan hệ bền chặt, và
(2) cảm giác ý nghĩa và có mục đích để theo đuổi.
Mặc dù không có bậc phụ huynh nào mong muốn con mình gặp vấn đề tâm lý, nhưng một số người cho rằng để được nhập học một trường đại học tốt, việc các con cảm thấy kiệt sức và khổ sở khi học trung học là một điều không cần bàn cãi -- vì các con sẽ hài lòng khi trưởng thành cơ mà. Họ cho rằng làm gì có ai cảm thấy hạnh phúc và hưởng thụ ở cái độ tuổi này? Đấy là lúc các con phải cố hết sức, phải dùi mài kinh sử. Đối với suy nghĩ này của các bậc phụ huynh, chúng tôi có 03 luận điểm phản bác:
Thứ nhất, việc cho rằng độ tuổi vị thành niên và thanh thiếu niên là khoảng thời gian để chịu đựng và cố gắng một cách mù quáng chứ không phải để tận hưởng là một điều vô cùng ngu ngốc. Chúng ta đang hạ thấp tiêu chuẩn một cách quá mức khi để khái niệm này lan tỏa một cách rộng rãi. Con cái cảm thấy hạnh phúc khi chúng là người tử tế, ngủ đủ giấc, được hoạt động thể chất, làm những việc tốt cho người khác, tập trung vào những điều tích cực trong cuộc sống của mình và dành thời gian hưởng thụ vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ.
Thứ hai, những đứa trẻ luôn căng thẳng, mệt mỏi và cảm thấy bất hạnh thường dễ dàng rơi vào lo lắng và trầm cảm hơn, từ đó các con khó có thể trân trọng cái sự “thành công” mà chúng đã làm việc quần quật để đạt được.
Cuối cùng, hạnh phúc là cơ sở dẫn tới thành công. Vì vậy, bằng cách tập trung vào niềm vui và hạnh phúc, bạn đang thực sự giúp các con bật tung cánh để đạt được bất cứ nguyện vọng nào của chúng.
Nhiều nghiên cứu tổng hợp cách chúng ta nhìn nhận điều gì mang lại hạnh phúc. Và ngạc nhiên thay, trong gần như tất cả khoảnh khắc con người cảm thấy hạnh phúc, những điều xảy ra với chúng ta (bao gồm cả thư nhập học từ đại học danh giá) đều chiếm vị trí rất thấp trên thang điểm quan trọng. Hai trong số những điều có ý nghĩa nhất với hạnh phúc lại là (1) mối quan hệ bền chặt, và (2) cảm giác ý nghĩa và có mục đích để theo đuổi. Tuy nhiên, cha mẹ hiếm khi nói chuyện với con cái về một trong hai điều này.
Về những mối quan hệ, một nghiên cứu gần đây cho thấy thanh thiếu niên đang trải qua sự cô đơn nhiều hơn so với trong quá khứ. Trong số những người thuộc thế hệ Millennials, 20 phần trăm cho biết họ không có bạn bè nào cả. Tuy nhiên, khi chúng tôi gặp phụ huynh, họ lại ủng hộ điều này và cho rằng,
"Đi chơi với bạn bè suốt ngày thì có gì hay ho?" hoặc, "Tôi biết rằng con có một người bạn thân tuyệt vời ở ngôi trường bây giờ, nhưng ngôi trường mới này sẽ giúp con có sức cạnh tranh hơn để vào đại học tốt."
Tầm quan trọng của các mối quan hệ tiếp tục bị hạ thấp trong suốt quá trình học đại học. Khi một người bạn của tôi đưa ra lời khuyên nghề nghiệp trong một buổi hội thảo cho sinh viên, cô ấy e ngại chia sẻ lý do quan trọng nhất dẫn tới công việc hiện tại của mình. Rằng ở tuổi đôi mươi, cô ấy ưu tiên lựa chọn những công việc để được ở gần bạn trai mình, người hiện đã là chồng cô ấy hơn hai mươi lăm năm. Cô ấy không cảm thấy thoải mái lắm khi bộc bạch lý do này với những em sinh viên đó, nhưng cô ấy vẫn quyết định chia sẻ:
Nếu có thể quay lại quá khứ, tôi muốn nói với bản thân lúc đó rằng mình đã đúng khi đưa ra quyết định nghề nghiệp dựa trên mối quan hệ của mình. Vì sự thật là không có gì quan trọng đối với hạnh phúc của tôi bằng người mà tôi muốn đi cùng tới cuối cuộc đời.
Việc người ta không còn dám chia sẻ những điều như thế này nữa trong cuộc sống cho thấy rằng ta đã thực sự có cái nhìn sai lệch về điểm bắt đầu của hạnh phúc mất rồi.
Một người bạn của chúng tôi, Kathleen O’Connor, một nhà cố vấn tuyển sinh đại học uy tín, đã nói nhiều năm nay rằng người chúng ta chọn kết hôn cùng (nếu ta quyết định kết hôn) quan trọng hơn nơi ta học đại học. Và điều đó áp dụng cho cả quan hệ tình cảm tích cực và tiêu cực. Hãy tưởng tượng mức độ hạnh phúc của mình nếu bạn trải qua thời gian giãn cách xã hội với một người mà bạn không thể chịu đựng được, so với người mà bạn luôn cảm thấy yên bình khi ở cạnh bên. Tình cảm vợ chồng giúp chúng ta cảm thấy an toàn, từ đó giúp ta có cơ sở tìm kiếm nhiều thách thức và cơ hội phát triển hơn. Đơn giản thôi, hãy nghĩ đến việc có bao nhiêu người thành công gửi lời cảm ơn sâu sắc tới vợ / chồng của họ khi đứng trên bục nhận giải thưởng. Đương nhiên, chúng tôi không có ý nói rằng tất cả mọi người đều cần phải kết hôn, hay mọi cuộc hôn nhân đều diễn ra suôn sẻ. Nhưng nếu các bậc cha mẹ và những người lớn khác ưu tiên sự nghiệp và quỹ đạo thành công cho con cái họ đến mức họ bỏ quên việc trao đổi với con về việc xây dựng những mối quan hệ lành mạnh, nó có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng.
Làm thế nào để thay đổi?
Cách khắc phục điều này thực chất vô cùng đơn giản. Hãy nói chuyện với con bạn về những người bạn, người đồng hành mà khiến bạn cảm thấy thật yêu đời và cách bạn đưa ra quyết định xung quanh những mối quan hệ đó. Ví dụ như khi bạn xin nghỉ làm một ngày để giúp một người bạn gặp khó khăn. Hãy trò chuyện với con về cảm xúc của con khi ở xung quanh những người khác - hãy tìm hiểu cách mà các mối quan hệ của con đóng góp vào hạnh phúc của mình. Đặt những câu hỏi như:
Con cảm thấy gần gũi với ai nhất trên đời này?
Con cảm thấy mình có thể là chính mình nhất với ai?
Điều gì sẽ xảy ra nếu con dành nhiều thời gian hơn cho những mối quan hệ này?
Bên cạnh các mối quan hệ, Martin Seligman, người sáng lập lĩnh vực Tâm lý học Tích cực vào cuối những năm 1990, thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của mục đích và ý nghĩa trong một cuộc sống hạnh phúc. Chúng ta cần nói cho bọn trẻ biết rằng có nhiều cách để đóng góp trên thế giới này và nhiều cách để cảm thấy hạnh phúc, mà không liên quan đến việc kiếm nhiều tiền hay đạt được thành tích cao. Những điều con làm cũng không nhất thiết phải có ý nghĩa đối với tất cả mọi người. Trong khi một vài đứa trẻ tìm thấy ý nghĩa thông qua việc tham gia vào các phong trào lớn như Hành quân vì môi trường (March for the Environment), số còn lại tìm thấy mục đích trong những cộng đồng nhỏ của mình, như nhà thờ mà con đến mỗi Chủ Nhật, hay câu lạc bộ tại trường. Hay thậm chí, con thấy việc làm của mình ý nghĩa nhất khi nó gắn với một số ít người quan trọng, như khi con giúp đỡ bạn bè của mình hay ông bà mình, hoặc khi con tình nguyện chăm động vật bị bỏ rơi chẳng hạn.
Một lần nữa, lời khuyên của chúng tôi rất đơn giản. Hãy chia sẻ với con bạn về những điều khiến bạn cảm thấy cuộc sống thật ý nghĩa, và cách điều đó góp phần vào hạnh phúc của bạn. Hãy hỏi con bạn những câu hỏi như:
- Nếu như chúng ta đều sinh ra với một mục đích nhất định, con nghĩ mục đích của con có thể là gì?
- Điều gì mang lại cho con cảm giác ý nghĩa?
- Con muốn mọi người nhớ đến mình như thế nào?"
Cuối cùng, làm sao để trẻ ngưng hiểu lầm về hạnh phúc? Hãy nói nhiều hơn về hạnh phúc. Nghe có vẻ khá đơn giản, phải không? Nhưng điều này không phổ biến như bạn nghĩ. Hai từ “hạnh phúc” không xuất hiện trong những câu chuyện thường nhật của chúng ta, và do đó trẻ em hình thành ấn tượng của mình về hạnh phúc khi lắng nghe cha mẹ nhấn mạnh tầm quan trọng của điểm số và xây dựng lý lịch khi vào đại học. Rồi khi lớn lên, con lại lắng nghe những thông điệp tương tự từ đồng nghiệp, giáo viên hoặc từ văn hóa xung quanh họ. Nói chung, những thông điệp này ngày càng thúc đẩy sự cạnh tranh không lành mạnh và chủ nghĩa vật chất. Vì vậy, nếu không thể làm gì khác, hãy bắt đầu từ việc thay đổi khái niệm nguy hiểm này trong mỗi cuộc trò chuyện với con. Nếu chúng ta thực sự muốn con mình trở thành những người trưởng thành hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống của chúng, chúng ta phải nói cho con biết sự thật này.
Thông tin về tác giả:
William Stixrud, Ph.D. là một nhà tâm lý học thần kinh lâm sàng và là giảng viên của Trung tâm Y tế Quốc gia Trẻ em và Trường Y Đại học George Washington. Anh ấy nằm trong hội đồng quản trị của Quỹ David Lynch.
Ned Johnson là người sáng lập PrepMatters và là một diễn giả, nhà văn và mentor của thanh thiếu niên. Thế mạnh của Johnson là coaching về các kỹ năng học tập, mối quan hệ giữa phụ huynh-thanh thiếu niên và cách quản lý nỗi lo (anxiety management)
-------
* Nguồn: Time.com
* Biên dịch: IEG Foundation
Comentários