Con có ổn không?
Bác Marvin hỏi, và bác thật lòng muốn biết. Một đứa trẻ luôn cảm nhận được sự thành tâm của người đối diện.
Năm đó, Marc Brackett, nay là Giám đốc Trung tâm Trí thông minh cảm xúc của Đại học Yale, chỉ là cậu bé 12 tuổi. Lần đầu tiên trong đời, ai đó thực sự muốn hiểu về tâm tư của cậu bằng cả sự chân thành. Lần đầu tiên, cậu bé cảm thấy muốn chia sẻ suy nghĩ của bản thân nhiều hơn là câu:
Dạ, con bình thường.
Thực sự thì cậu bé Marc không hề ổn chút nào. Tại cái giây phút mà bác Marvin hỏi cậu câu hỏi trên, cậu cảm thấy như mình vừa được trao cho một cái quyền hiếm có - quyền được nói ra sự thật, những cảm xúc thật, và cả những câu chuyện thật:
Con không có đứa bạn nào...Con dở các môn thể thao…Con mập, và chẳng ai ở trường muốn chơi với con cả.
Vô hình. Đó là cảm giác mà cậu bé Marc ngày đó luôn có khi ở cạnh những người lớn khác, kể cả với bố mẹ mình. Nhưng mọi thứ thật khác khi cậu ở cạnh bác Marvin.
Đó là câu chuyện của Marc ở một đất nước có nền giáo dục tiên tiến. Nhưng chúng ta có thấy Marc ở trong hình hài là một học sinh châu Á, học lực chỉ tiên tiến, kém thể lực, ít nói, và cũng chẳng có gì “nổi bật” trong mắt các thầy cô, cũng như cha mẹ và họ hàng?
Toàn bộ cuộc đời của Marc như bước sang một trang mới, kể từ khi nhận được câu hỏi tưởng chừng đơn giản đó. Marc viết trong cuốn sách mới xuất bản của ông, Permission to Feel (tạm dịch: Quyền được có cảm xúc).
Điểm quan trọng nhất là cái cách mà bác hỏi tôi - chứ không chỉ là bản thân câu hỏi đó. Bác không hề phán xét những cảm xúc của tôi. Bác chỉ ở đó, thực sự muốn lắng nghe tất cả và bất cứ thứ gì mà tôi tỉ tê, với tất cả sự cởi mở và cảm thông.
Một cuộc khảo sát với hàng ngàn học sinh ở độ tuổi thiếu niên về những cảm xúc tích cực và tiêu cực của các bạn cho thấy mối tương quan giữa cảm xúc thật sự của học sinh và nhận định của giáo viên yếu đến bất ngờ. Thậm chí, ở vài trường, mối tương quan này có giá trị gần bằng 0. Nói cách khác, nếu ta không hỏi và...lắng nghe, thì sẽ rất khó để thấu được cảm xúc của học trò, con cái, người thân của chúng ta.
Tôi nhớ mãi một cảnh trong cuốn "Hoàng tử bé" - một truyện kinh điển của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry's. Đó là cảnh hoàng tử nằm trên cỏ và lau nước mắt. Lúc đó, cậu vừa nhận ra rằng đóa hoa hồng mà cậu dồn hết cả tâm sức vào để chăm lo - với niềm tin rằng đó là đóa hoa hồng đẹp nhất trong vũ trụ này - thì ra chỉ là một trong vô vàn những đóa hoa hồng khác, đóa nào cũng giống đóa nào.
Sau đó, một chú cáo bước đến.
Mình buồn quá
- hoàng tử nói với chú cáo. Và chú cáo lắng nghe. Chú không hề cố gắng thuyết phục hoàng tử rằng cậu lẽ ra phải cảm thấy hạnh phúc. Và, chú cũng không hề bỏ đi. Trước khi cả hai tạm biệt nhau, chú cáo nói với hoàng tử rằng:
Đây là bí mật của mình. Rất đơn giản: người ta chỉ thấy rõ với trái tim. Điều gì cốt lõi thì vô hình với đôi mắt.
(*chú thích: đây là bản dịch của Nguyễn Tấn Đại).
Đừng
mặc định rằng mọi người trẻ mà ta biết đều ổn;
chỉ vội tin vào những gì các con thể hiện ra trước mắt chúng ta, vì có thể ta còn chưa hiểu hết vì sao con hành động như vậy.
Hãy
hỏi: "Con đang cảm thấy thế nào?";
lắng nghe - với nguyên tắc 03-KHÔNG: phán xét, ngắt lời, và chỉnh lời.
Đôi khi, điều tuyệt vời nhất mà ta có thể dành cho những người yêu thương chính là tôn trọng quyền được có cảm xúc của họ.
Cùng xem lại giải pháp 03-Không này khi lắng nghe con nhé các Cha Mẹ
*Dịch và biên tập: IEG Foundation
Comments