top of page

BỎ TÚI "VÀI MẸO” VIẾT LUẬN VÀO ĐẠI HỌC (phần 1)

Tuần vừa qua, trên các trang mạng xã hội, rất nhiều Phụ huynh quan tâm đến thành tích của một học sinh lớp College Essay - Viết luận đại học do TS. Nguyễn Trí Hiếu trực tiếp giảng dạy. Chỉ trong vòng 2 ngày sau khi nộp bài luận cho trường, em đã nhận được thư chấp thuận kèm thông báo học bổng Dean Scholarship vô cùng danh giá.


Đây như một kỳ tích mà đến chính người dẫn dắt là TS. Nguyễn Chí Hiếu cũng phải chia sẻ rằng “Lần đầu trong 15 năm đi dạy, học sinh nộp đơn hạn 1/11, thì 2/11 nhận luôn thư chấp nhận trường Top 100, kèm Học bổng Dean xịn. Không chuyên Anh, không SAT, không giải thành phố, quốc gia gì. Tự nộp đơn với 2 bài luận mà lúc đọc edit đến mình cũng nổi da gà.”


Nhân cơ hội này, #nghechame muốn chia sẻ lại một số phương pháp hỗ trợ học sinh viết luận đại học do TS. Nguyễn Chí Hiếu tổng hợp và chia sẻ.


Phần 1: CHỌN Ý TƯỞNG


Một mùa nộp đơn du học lại rục rịch khởi động. Đúng là chỉ có Mỹ căng nhất phần bài luận, đòi hỏi sự sáng tạo, cá nhân nhiều. Ngày trước rảnh rỗi, có năm còn cân được bài luận và hỗ trợ cho 100+ học trò, nhưng giờ mỗi năm chỉ có đủ sức và thời gian để giúp được tầm 10–20 bạn.


Biết rằng ước mơ du học Mỹ thì mỗi năm một nhiều, "cuộc đua” ngày càng căng. Dù có được tư vấn hay tự lực nộp đơn, thì nếu đi qua giai đoạn này một cách hợp lý, mình tin là mỗi bạn cũng sẽ trưởng thành lên rất nhiều.


Covid hoành hành, nhiều gia đình chưa chắc đủ lực để đăng ký tư vấn chỗ này chỗ kia. Và vẫn có nhiều bạn trẻ ôm ấp giấc mơ du học Mỹ, nhưng nhà không bao giờ đủ tiền để nhờ vả tư vấn. Thế nên, hôm nay, viết ra chuỗi bài chia sẻ các tips về viết luận đại học Mỹ mà bao năm qua, mình đúc kết được trong quá trình giúp đỡ học sinh. Chia sẻ cũng mang tính chủ quan, chứ không phải là công thức khoa học “chắc nịch” kiểu 1 + 1 = 2.


☘ Mình chưa bao giờ nhận làm dịch vụ tư vấn du học, chưa thu tiền làm giúp hồ sơ học sinh nào cả. Vậy nên, những chia sẻ ở đây là đúc kết kinh nghiệm gần hơn chục năm, vì tình nghĩa và chữ duyên, vô tư giúp đỡ nhiều đối tượng học trò ở nhiều dạng gia đình/ trường lớp, bước vào các trường đại học từ xếp hạng số 1 cho đến số... trăm mấy. Chứ không quảng cáo dịch vụ tư vấn gì cả. Nói trước để mọi người khỏi inbox hỏi mình bao nhiêu tiền gói tư vấn, vì mình chẳng có gói nào cả.


Okie, diễn giải dài dòng rào đón vậy để bà con khỏi hiểu lầm là đủ rồi. Giờ mình đi vào phần chính hôm nay là về phần chọn ý tưởng. Đây có lẽ là cái “thủ tục” đầu tiên hack não nhất mà nhiều học sinh cứ nâng lên đặt xuống, thậm chí còn đổi đi đổi lại vài lần ý tưởng, hoặc thét lên:


“Thầy ơi, cuộc đời con 17 năm nó bình thường lắm á, chẳng có gì để kể”. --> Câu cửa miệng "tư tưởng lớn gặp nhau" của nhiều đứa trong suốt gần 15 năm qua mình đi cùng lũ nhỏ. ^_*




- - - - -


1. CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG


Tip đầu tiên ngắn gọn thôi: Con sống được 17 năm trên đời là cũng có đủ chuyện để kể rồi. Ai bảo rằng viết luận đại học Mỹ nhất quyết phải chọn những cái dị biệt, bất thường nhất để kể?


Kể cả cuộc đời con nó có “bình thường” theo cách nghĩ của con đi nữa, thì mấy người đọc bài luận cũng không biết gì về cuộc đời đó. Thế nên, cứ tự tin là cuộc đời của con đủ chuyện khác thường với những người đọc luận.


- - - - -


2. THỐNG KÊ CUỘC ĐỜI


Một tip để tìm ý tưởng nhanh là thống kê lại cuộc đời theo trình tự thời gian. Hãy vẽ một đường thời gian. Sau đó, bắt đầu từ những ký ức sớm nhất mình có được và đánh dấu mốc lại một số sự kiện lớn của cuộc đời. Một lần chuyển trường, chuyển nơi sinh sống, một biến cố, một thành tựu (dù là nhỏ so với con nhà người ta nhưng có ý nghĩa lớn với chính mình).


Câu chuyện con chọn có thể bắt đầu từ trước khi con chập chững bước đi vì nó có một biến cố lớn, hoặc chỉ đơn giản là một câu chuyện xảy ra gần đây như chuyển qua một nơi sống, môi trường mới cũng là một “mỏ vàng” để kể chuyện.


- - - - -


3. SƠ ĐỒ TƯ DUY VỀ BẢN THÂN


Một tip khác để chọn ý tưởng là để chắt được những ý tưởng không theo trình tự thời gian. Hãy vẽ một sơ đồ tư duy về bản thân và liệt kê những nhóm ý tưởng sau:


☘ Những ảnh hưởng đến bản thân: con người, sự kiện, tác phẩm văn học, âm nhạc, nghệ thuật… đã tác động và góp phần nhào nặn mình. Có học trò viết về người bà đã mất, có đứa lại viết về bản nhạc giao hưởng đầu tiên được nghe trong đời.


☘ Kỹ năng: Những kỹ năng học được ở trường qua các môn học chính thức, qua các câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa, hoặc thậm chí là do tự mình rèn luyện. Có học trò viết về việc 10 năm học cách làm Toán như thế nào, có đứa viết về kỹ năng làm ảo thuật.


☘ Sở thích đam mê: Ai cũng có ít nhất một sở thích/ đam mê, có thể cho người khác biết hoặc chỉ giữ riêng cho mình. Người đọc thích được biết về một con người có sở thích/ đam mê gì đó bởi cuộc sống mà thiếu đi sở thích, đam mê thì hơi bị nhạt. Có người viết về đam mê với một môn học, còn có người chỉ đơn giản viết về sở thích xây các mô hình từ những que diêm.


☘ Gia đình: Cái này nghe thì có vẻ bình thường với con nhưng con yên tâm đi, gia đình luôn là nguồn chất liệu cảm hứng nhất cho mỗi người chúng ta đi suốt cuộc đời này. Thậm chí gia đình con rất bình thường đi nữa, chẳng ai có thành tựu gì nhưng gia đình con đã là khác biệt. Con có thể viết về nghề nghiệp của bố mẹ, hoặc một thói quen trong gia đình… và cách nó nhào nặn con của ngày hôm nay ra sao. Đó đã là một câu chuyện hay.


- - - - -


4. NHỮNG CÂU HỎI NHANH


Nếu bấy nhiêu đó chưa đủ để ra những ý tưởng thú vị – nhưng thường là đã ra rồi – thì con có thể thử sức với những câu hỏi nhanh sau. Cái tip này cũng thường cho ra những điểm lóe sáng, trở thành những bài luận xuất sắc:


- Điều gì làm con hạnh phúc?

- Nỗi sợ của con là gì?

- Hy vọng của con là gì?

- Điều gì về thế giới đã “hớp hồn” con?


- Môn học yêu thích của con?

- Điều hài hước nhất con từng làm là gì?

- Con đã có phát hiện nào làm mình thấy hào hứng?

- Hoạt động nào làm con cảm thấy thoải mái/bình an nhất?


- Ai là người hùng trong lòng con? Vì sao?

- Đồ vật/ ký ức nào có nhiều ý nghĩa nhất với con?

- Một nơi nào mà con cảm thấy bình an/ hào hứng nhất?

- Có ý tưởng gì mà con tìm hiểu hoài về nó mà vẫn chưa thấy chán?


- Khi nào con buồn/ thất vọng nhất?

- Điều khó khăn nhất trong cuộc đời con đến nay là gì?

- Mối quan hệ nào con đã bỏ nhiều công sức vào nhất?

- Điều gì đã cản trở con theo đuổi hoài bão/ ước mơ của mình?


- Con mô tả tích cách của mình như thế nào?

- Con nhìn thấy mình của 5-10-15 năm sau như thế nào?

- Nếu “chiếu lại” cuộc đời mình chỉ với 2-3 khoảnh khắc thì sẽ là…?


- Ý tưởng/ suy nghĩ gì làm con mất ngủ vào buổi tối (nếu có)?

- Con đã làm gì mà người khác cho là không được/ không thể?


- - - - -


5. CHẮT LỌC Ý TƯỞNG


Thường thì 3 bài tập trên cũng đã cho con cả một rổ ý tưởng để có thể “chơi đùa” với bài luận của mình. Tuy nhiên, khi chọn ý tưởng cho bài luận chính của mình, con có thể rất đắn đo, không biết nên chọn ý tưởng gì. Ngày trước, “con nhà nghèo” thì không biết viết gì. Còn giờ, sau khi đi moi móc ý tưởng thì thành “con nhà giàu”, nhiều thứ quá thì không biết chọn cái gì để viết. ^_*


Tất nhiên, tùy vào cảm xúc và cảm hứng, con có thể chọn khởi động với bất cứ ý tưởng nào con đang cảm thấy kết nhất. Thường thì cũng qua vài lần trước khi chốt được một ý tưởng xứng đáng hơn để làm bài luận chính.


Tuy nhiên, con yên tâm, các ý tưởng khác đã được thử nghiệm vẫn có thể biến thành bài luận phụ mà các trường xếp hạng càng cao thường lại đòi càng nhiều bài luận phụ oái ăm, có khi còn khó nhai hơn bài luận chính.


Tuy nhiên, để giúp cho con dễ dàng hơn thì có vài gợi ý về tiêu chí chọn ý tưởng cho bài luận chính:


☘ Ý tưởng “mỏ vàng”: Đây là những câu chuyện có nhiều tiềm năng để phát triển theo nhiều hướng. Tức là cũng một câu chuyện đó, con có thể khai thác nó theo các hướng và thông điệp khác nhau, kiểu như có thể nói về kiên trì bền bỉ, có thể nói về yêu thương, có thể nói về bình an…


Ngoài ra, nếu câu chuyện có sức nặng về cảm xúc cũng là một điểm cộng, vì nó dễ để khai thác chiều sâu về suy nghĩ và cảm xúc của chính con, dễ kết nối với người đọc.


☘ Thế giới “lạ lẫm” với người đọc: Câu chuyện diễn ra trong một bối cảnh thực hoặc tưởng tượng có nhiều yếu tố lạ lẫm với người đọc, vì họ sẽ thấy một thế giới rất khác với họ, và nó có nhiều chất liệu để con “chơi”.


Ví dụ: một góc phố cổ Hà Nội, một làng chài làm nước mắm, một vở tuồng cổ, một bức tranh sơn mài, một cánh đồng lúa mì, một khu vườn trái cây… tất cả đều là thế giới mới lạ, nhiều sắc màu để vẽ lại trong bài luận.


☘ Bước ra khỏi vùng an toàn: Nếu trong câu chuyện ấy, con phải bước ra thật xa khỏi vùng an toàn của mình, càng xa thì càng tốt. Vì nó như một bài toán thử về khả năng, tinh thần, thái độ của con, và chúng ta thường phát triển bứt phá, trưởng thành nhiều nhất khi chúng ta bước ra khỏi vùng an toàn của mình.


Vùng an toàn ở đây có thể là về môi trường vật chất hoặc môi trường cảm xúc, tinh thần. Lần đầu tiên sống tự lập xa nha, chuyển trường hoặc lần đầu tiên phải tiết lộ một bí mật của mình,… tất cả đều là cơ hội trưởng thành.


☘ Điểm yếu: Nếu con vẽ ra một con người của mình quá hoàn hảo trong câu chuyện, điều đó không thật cho lắm. Quan trọng là người ta muốn nhìn thấy con đã thay đổi như thế nào trong quá trình trưởng thành. Vì vậy, đừng ngại cho người thấy điểm yếu của mình, và cách con bước ra khỏi điểm yếu đó để lớn lên ra sao.


Điểm yếu có thể là về mặt kỹ năng hoặc về mặt tính cách, tinh thần, thái độ. Như vậy, con sẽ là một hình ảnh đời hơn qua lời mình kể. Chỉ lưu ý nhỏ là đừng “bôi tro trét trấu” bản thân nhiều quá, vẽ mình như là một ác quỷ hoặc con người quá ư tiêu cực. ^_*


☘ Một thông điệp: Bài luận cũng chỉ gói gọn trong vài trăm từ, thế nên con đừng nên tham mà ôm 2–3 hoặc nhiều hơn qua một bài luận. Hãy chỉ tập trung vào một thông điệp duy nhất trong mỗi câu chuyện của mình. Là sự quyết tâm, yêu thương, bao dung, vượt khó, cho đi, bình an hay gì đi nữa thì cũng chỉ nên làm một thông điệp để nó vừa đủ rõ và đủ sâu.


☘ Con là nhân vật chính: Phần lớn câu chuyện con viết sẽ là về mình, trừ một số trường hợp “cá biệt”. Vì vậy, hãy chọn câu chuyện mà con là nhân vật trung tâm và phần lớn tập trung về quá trình thay đổi, trưởng thành của con. Những nhân vật khác cũng chỉ là điểm xuyến, làm nền. Vì đơn giản, con là người mà các trường muốn biết, chứ không phải những người khác.


- - - - -


Chốt lại bằng một câu:


☘ Chẳng có ý tưởng nào là dở cả, mà chỉ có người viết dở thôi.

Thế nên, khi con đã chọn được ý tưởng rồi thì hãy tin là câu chuyện cuộc đời mà con chọn để kể – dù nó có “bình thường” trong con mắt của con – thì nó vẫn là một câu chuyện hay.


☘ Quá trình đi tìm ý tưởng cho bài luận, với mình, còn là một quá trình phản tư và nhìn lại bản thân, cuộc đời của mình rất tốt.

Chúng ta sẽ nhận ra bao nhiêu điều mà lâu nay chúng ta không để ý đến hoặc đã lãng quên. Vì vậy, chính việc đi tìm ý tưởng cũng là một lần để chúng ta trưởng thành và hiểu hơn về bản thân và về cuộc đời.


Hãy chọn và kể câu chuyện của cuộc đời mình như thể con chỉ có một lần để kể và thật ra là chẳng có gì để mất cả. Mình rất thích đọc câu chuyện của mỗi bạn vì đó là dịp để biết thêm về thế giới bên trong của một con người.


Thế nên, đừng chán ghét câu chuyện của mình mà hãy yêu lấy nó, vì câu chuyện ấy cần và đã đến lúc… bước ra ánh sáng.


- - - - -


Đang giai đoạn nhiều bạn chạy nước rút viết luận, nên chắc sẽ tranh thủ thời gian sớm viết những phần còn lại.


PHẦN 2: SẮP XẾP Ý TƯỞNG (theo dõi tiếp các bài viết trên nghechame để cùng cập nhật)



* Nguồn: TS. Nguyễn Chí Hiếu #tamlytrunghoc #tamlytieuhoc #IEGGlobal #Inspiringmind #nghechame




54 lượt xem

Comments


bottom of page