Ngồi xuống ăn một bữa cùng cả nhà (và không nhất thiết phải là bữa tối) có thể mang lại những lợi ích to lớn cho cả con trẻ, cha mẹ và gia đình.
Dùng bữa cùng nhau trong một gia đình chính là bí quyết nuôi dạy con cái vô cùng hữu hiệu. Các bậc cha mẹ sẽ rất khó có thể cải thiện việc học tập trên lớp của con, giúp con nâng cao lòng tự trọng, giảm thiểu nguy cơ lạm dụng chất kích thích, trầm cảm, thai sản ở tuổi vị thành niên, và cả bệnh béo phì, tất cả chỉ trong một giờ đồng hồ.
Dưới đây sẽ là một vài nghiên cứu có thể chứng minh cho những lợi ích đến từ bữa cơm gia đình.
1. Hình thành một thói quen ăn uống tốt hơn
Một nghiên cứu gần đây ở trên tạp chí y tế JAMA Network Open cho thấy rằng dùng bữa cùng cả nhà có thể tạo ra một chế độ ăn uống tốt hơn trên tổng thể, đặc biệt ở lứa tuổi thiếu niên. Các bạn "tuổi teen" khi ăn cùng cả gia đình có xu hướng ăn nhiều rau củ quả hơn và ít đồ ăn nhanh cũng như đồ ngọt hơn. Những kết quả nghiên cứu này được áp dụng bất kể rằng gia đình đó có yên ấm hay bất hoà đi chăng nữa.
2. Giúp ngăn chặn những vấn đề tâm lý xã hội nghiêm trọng
Nói cách khác, theo một đánh giá vào năm 2015 của nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Canada, các bữa tối có cả gia đình diễn ra thường xuyên có thể ngăn chặn những vấn đề liên quan tới rối loạn ăn uống, sử dụng đồ có cồn và chất kích thích, cách hành xử bạo lực, trầm cảm, và các suy nghĩ dẫn tới tự tử ở thanh thiếu niên.
3. Có thể giảm vấn đề về cân nặng ở trẻ
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nhi khoa (The Journal of Pediatrics) đã cho thấy mối tương quan trực tiếp giữa tần suất của bữa cơm gia đình đối với trẻ vị thành niên với việc giảm tỉ lệ bệnh béo phì hay các vấn đề về sức khoẻ 10 năm sau đó, đặc biệt là trong những trẻ em da màu. Nghiên cứu này kết luận rằng các gia đình nên ngồi cùng mâm cơm ít nhất một hoặc hai lần mỗi tuần để giúp bảo vệ trẻ con khỏi các vấn đề về cân nặng sau này.
4. Nâng cao lòng tự trọng của trẻ
Theo các chuyên gia tại Sức khoẻ Nhi khoa Stanford (Stanford Children’s Health), hệ thống chăm sóc sức khỏe nhi khoa liên kết với Stanford Medicine và Đại học Stanford, sự an toàn được cung cấp bằng cách thường xuyên dùng bữa cùng gia đình có thể giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn vào bản thân mình. Bằng cách khuyến khích con cái kể về ngày của chúng (và thực sự lắng nghe phản hồi của chúng), bạn đang truyền đi thông điệp rằng bạn coi trọng và tôn trọng con người của chúng. Trẻ em nên được phép chọn chỗ ngồi của riêng mình và được khuyến khích hỗ trợ cha mẹ hay các thành viên khác trong gia đình các công việc trong bữa ăn, cho dù là dọn bàn, dọn cơm hay dọn dẹp.
5. Phát triển khả năng giao tiếp
Một nghiên cứu năm 2018 tại Canada theo dõi một nhóm trẻ nhỏ từ sơ sinh cho tới thời ấu thơ đã cho thấy rằng gia đình của những trẻ có những trải nghiệm tích cực trong việc ăn uống cùng gia đình từ khi 6 tuổi thì đều thấy một loạt những lợi ích khi chúng lên 10. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Khoa học Mỗi ngày (Science Daily), bên cạnh chủ đề chung về sức khoẻ và thể chất, thì khả năng tương tác trong xã hội hay tranh luận về những vấn đề thường ngày trên bàn ăn có thể giúp trẻ trở thành những người tốt hơn về mặt giao tiếp, theo như những ghi chép của người giám sát Nghiên cứu, tiến sĩ giáo dục tâm lý Linda Pagani thuộc đại học Montreal (Université de Montréal)
6. Giúp trẻ thoát khỏi bắt nạt trên mạng (cyber-bullying)
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nhi khoa (JAMA Pediatrics), dựa trên một cuộc khảo sát của gần 19,000 học sinh, cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa việc bắt nạt trên mạng với trạng thái lo lắng, trầm cảm, và lạm dụng chất kích thích. Cứ 5 trẻ thì có 1 em phải chịu sự bắt nạt trên mạng dưới bất kì hình thức nào, và đây chắc chắn là một vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, những bạn trẻ tuổi vị thành niên mà ăn uống cùng gia đình (lý tưởng là nhiều hơn 4 lần một tuần) thì cho thấy ít vấn đề tới từ việc bị bắt nạt hơn. Các nhà nghiên cứu cũng ghi chép được rằng tiếp xúc thường xuyên với các thành viên trong gia đình có thể tạo điều kiện cho cha mẹ hướng dẫn và giao tiếp cởi mở hơn với con cái.
7. Bổ sung cho các liệu pháp tâm lý của gia đình.
Theo một nghiên cứu năm 2016, đối với những gia đình đang phải trải qua những giờ trị liệu tâm lý cùng nhau, thói quen ăn chung có thể cung cấp những dữ kiện có giá trị về thái độ tích cực của gia đình cho những nhà tâm lý học. Thêm vào đó, các gia đình cũng nên đưa những bài học từ quá trình trị liệu tâm lý lên bàn ăn, cùng nhau thử nghiệm với vai trò mới và cách giao tiếp mới.
* Nguồn: Parents.com
* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG
댓글